Để hình thành được những tứ thơ mới xưa nay người ta thường làm theo mấy cách thức chính như sau:
a.Từ một ý cũ cho đầu thai vào những hình ảnh mới
Chẳng hạn từ cái ý trần “yêu nên tốt, ghét nên xấu” (chưa có hình ảnh bọc gói, nói theo Đỗ Đình Tuân là mới có ý mà chưa thành tứ), dân gian đã sáng tạo ra rất nhiều những tứ thơ:
-Yêu thì củ ấu cũng tròn
Không yêu thì quả bồ hòn cũng vuông
-Yêu nhau nghèo khó chẳng chê
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
-Không ưa thì dưa có ròi
-Lỗ mùi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho…
b.từ một hình tượng làm vỏ bọc nhưng cho ký ngụ vào trong đó những ý nghĩa khác nhau
Chẳng hạn, từ một hình tượng “con tằm nhả tơ”, ca dao viết:
Đã sinh ra kiếp con tằm
Dẫu không nhả kén cũng nằm trong tơ
Ý mang theo trong nó là cái nghiệp đời “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”. Cái danh với cái nghiệp là rất khó tách rời nhau. Đỗ Đình Tuân tôi vốn là một ông “giáo dở”, chỉ dạy học được có quá nửa đời thì “giữa đường đứt gánh”. Vậy mà cái danh vị “thày giáo”, “nhà giáo” thì cứ mãi mãi đeo bám lấy đời tôi. Bây giờ dẫu tôi có trở thành “nhà văn nhà vo”, “ nhà thơ nhà thiếc” gì thì cũng không thể làm mất đi cái danh vị “nhà giáo” được.
Trong Truyện Kiều, cũng với cái hình ảnh “con tằm nhả tơ’ ấy, Nguyễn Du lại viết:
Dù cho sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác hãy còn vương tơ.
Thì ý mang theo cũng đã khác đi rồi. Ở đây nó lại chứa đựng “tình cảm của Thúc Sinh đối với Thúy Kiều”. Đến Tố Hữu, lại thấy viết:
Tròn năm mươi tuổi Đảng và thơ
Từ ấy hồn vui mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa cạn ý
Con tằm rút ruột hãy còn tơ.
Ý cụ thể mang theo lại cũng đã khác: đó là tình cảm của và tài năng của nhà thơ đối với nghệ thuật thi ca tuy tuổi đã cao, đầu đã bạc nhưng trong đầu vẫn còn ý, trong ruột vẫn còn tơ...
c.Nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm tòi và sáng tạo ra những tứ thơ hoàn toàn mới lạ cả về “ý” lẫn về “hình”
Có thể dẫn ra đây vài ví dụ minh họa:
-Trong “Bài ca vỡ đất”, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã sáng tạo ra một tứ thơ thật đặc sắc:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Những bài ca dao xưa viết về lao động sản xuất cũng không ít. Nhưng cũng mới chỉ nói đến sự khó nhọc của nghề nông làm ra hạt gạo “ Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”; nói đến cái ý chí của con người lao động: “Công lênh chẳng quản bao lâu / Ngày nay khó nhọc, ngày sau cơm vàng”; …Thơ ca xưa chưa nói được tác dụng to lớn và kỳ diệu của sức lao động con người. Tứ thơ mới này của Hoàng Trung thông rõ ràng đã đánh dấu một mốc son mới và làm bừng sáng cả một mảng đề tài.
Trong thế kỷ XX, dân tộc việt Nam đã phải tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, phải trải qua biết bao nhiêu máu lửa và hy sinh. Sống trong máu lửa và gánh chịu những hy sinh vô cùng to lớn nhưng kỳ lạ thay, sức sống tâm hồn của con người Việt nam càng thêm mạnh mẽ, khát vọng hòa bình hạnh phúc càng sâu sắc, thiết tha:
Ở đâu? Ở đâu có sự tuyệt vời
Kháng chiến chống Tây ba ngàn ngày không nghỉ
Lại kháng chiến ba ngàn ngày chống Mỹ
Mà hoa trên đầu súng lại càng tươi.
(Chế Lan Viên)
“Hoa trên đầu súng lại càng tươi” chính là một tứ thơ hoàn toàn mới mẻ cả về hình lẫn về ý. Trong một giây phút bình yên nào đó giữa hai trận đánh, rất có thể một anh lính trẻ yêu đời đã ngắt bông hoa rừng, hoa dại nào đó mà cắm lên đầu súng ngắm chơi. Nhà thơ có thể tình cờ bắt gặp và lưu giữ trong bộ nhớ. Cũng có thể hoàn toàn do trí tưởng tượng của nhà thơ sáng tạo ra cái hình ảnh đẹp đẽ và lạ lùng này. Khả năng nào thì cũng có thể nhưng không quan trọng. Điều quan trọng mà ta ghi nhận được là với tứ thơ mới mẻ này Chế Lan Viên đã khái quát được một cách sâu sắc và đẹp đẽ sức sống tâm hồn của con người Việt Nam trong chiến tranh.
Trên đây chỉ là một số tứ thơ chủ yếu ở cấp độ câu thơ, dẫn ra cốt để tiện quan sát và phân tích. Còn có rất nhiều những tứ thơ ở cấp độ bài: Thề non nước của Tản Đà, Nhớ rừng của Thế Lữ, Đất nở hoa của Huy Cận, Đêm sao sáng của Nguyễn Bính, Hương thầm của Phan Thị Thanh nhàn…
Theo Đỗ Đình Tuân thì chỉ có những câu thơ, những bài thơ nào có cấu tạo đa tầng mới có chuyện cấu tứ. Cụ thể phải có cấu tạo đủ ba lớp: Văn bản-Hình tượng-ý nghĩa. Chẳng hạn như Thề non nước của Tản Đà thì sau lớp văn bản ngôn ngữ ta thấy hiện lên hỉnh ảnh non và nước (ngọn núi đợi chờ và dòng suối ra đi). Giải mã hình ảnh non và nước ta mới đến tầng ý nghĩa kép của nó: vừa là một câu chuyện tình của một chàng trai với một cô gái, vừa là một tấm lòng ái quốc của thi sĩ đối với một đất nước đã rơi vào tay thực dân Pháp.
Ngoài ra còn rất nhiều những câu thơ, bài thơ chỉ có cấu tạo hai lớp Văn bản-hình tượng hoặc văn bản - ý nghĩa thì chưa đủ các yếu tố để cấu thành tứ thơ. Loại văn bản-hình tượng thấy nhiều ở thơ tả cảnh, kể chuyện. Hình tượng có thể là cảnh vật, câu chuyện. Loại văn bản-ý nghĩa thường rơi vào những bài thơ tuyên truyền cổ động, thơ giáo huấn, thơ trữ tình dạng trực tiếp bộc lộ tâm trạng...
Nhưng dù có tứ hay không có tứ thì ở loại nào cũng có thể làm hay được cả. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng loại thơ có tứ, tuy có cấu trúc phức tạp hơn, nhưng chính nhờ thế mà ý thơ kín đáo, lời thơ bóng bẩy hàm súc, tập trung nhiều đặc trưng của thi ca hơn. Vì thế mà ở những bài thơ có tứ, thi vị hình như cũng giàu có hơn, nên cũng thường hấp dẫn người đọc hơn. Cho nên, việc tìm tòi và sáng tạo ra những tứ thơ mới, luôn luôn là những cố gắng không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ những người làm thơ xưa nay.
3/11/2011
Đỗ Đình Tuân
(còn nữa)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét