Đi vào khảo sát những tứ thơ ở cấp độ bài thơ lại thấy cấu trúc của các tứ thơ này cũng khá đa dạng. Ở dạng cổ điển nhất nó thường là một ẩn dụ hoàn toàn theo lối biểu tượng hai mặt. Lối thơ Hồ Xuân Hương là hay vận dụng kiểu này nhất. Bài thơ tả cái quạt nhưng thực ra là tả “cái ấy” để rồi dùng “cái ấy” mà che lên đầu, mà phẩy vào mặt những “anh hùng”, “quân tử”. Bài thơ tả cái khung cửi nhưng thực ra lại là tả cái “chuyện ấy”. Những bài thơ tả động Hương Tích, tả hang Thánh Hóa cũng đều là tả “cái ấy” cả. Đặc biệt ở bài “Hang Thánh Hóa” thì đã biến một cái hang đá thành một cái “hang thịt”. Vì thế mà nó cũng chuyển luôn nghĩa của chữ “hóa” vốn có nghĩa là “mất đi” lại thành nghĩa mới là “sinh ra”. Bởi xưa nay cái “hang thịt” ấy chỉ có mỗi một chức năng là sinh nở ra con người, kể cả các anh hùng và những nhà thơ. Ở chỗ này thì “Hang Thánh hóa” có khác gì bức danh họa “cội nguồn trần thế” Gustave Courbet (1819-1877), một họa sĩ người Pháp, vẽ vào năm 1866, sau Hồ Xuân Hương chừng nửa thế kỷ. (Ai muốn xem bức tranh này xin mời lên mạng). Cho đến “Thề non nước” của tản Đà, “Nhớ rừng” của Thế Lữ vẫn thấy có kiểu cấu tứ này, chỉ khác về thể thơ và giọng điệu.
Nhưng ở thơ sau cách mạng tháng Tám 1945 thì đã khác. Cứ đọc “Hương Thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn mà xem. Trong bài thơ thì “hương thầm” chính là mùi thơm của hoa bưởi. Phan Thị Thanh Nhàn đã lấy cái mùi thơm này làm ẩn dụ, làm biểu tượng cho mối tình thầm lặng nhưng nồng nàn sâu sắc rất giàu thi vị của một đôi trai gái thời chống Mỹ. Trong bài thơ, cái tứ “hương thầm” như kết thành một chuỗi và đan xen với lời kể chuyện trong suốt tuyến. Ngay từ đầu, cái “ngan ngát hương đưa” dường như cũng đã nhiễm một chút tình ý rồi:
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa
Rồi đến ngày người con trai ra trận. Người con gái thấy mình không thể vắng mặt và đã gửi lòng mình vào một chùm hoa bưởi:
Dấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận.
Không vắng mặt, nhưng tình yêu thì vẫn ủ kín không bộc lộ:
Nào ai đã một lần dám nói
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được
Cứ bay dịu nhẹ.
Nhưng hình như càng dấu diếm nhau thì họ lại càng nhận ra nhau đến tận cùng hơi thở:
Rồi theo cùng hơi thở của anh
Hương thơm ấy
thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
hương sẽ theo đi khắp
Thế là lời thì chưa ngỏ, nhưng tình thì đã trao và đã nhận:
Họ chia tay, vẫn chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi.
Mà hương thầm theo mãi bước người đi.
Hương thầm nhưng chính là tình thầm. Tình thầm nhưng lại vô cùng ngào ngạt, lan tỏa và thấm sâu…Tứ thơ Hương thầm vừa độc đáo, vừa kỳ diệu, giầu thi vị đến lạ lùng là như thế. Thơ là sự thăng hoa của cuộc sống, của tình đời, tình người có lẽ là như vậy đây chăng?
Ở nhiều bài thơ mang tính kể chuyện thường có lối cấu tứ kết chuỗi kiểu này. Màu tím hoa sim, Núi Đôi. Lá Diêu Bông…tứ thơ ẩn hiện tãi ra khắp tuyến. Nhưng cũng không phải là tất cả. Ở nhiều bài, tứ thơ dường như lại dồn tụ vào một điểm và thường nằm ở phần kết. Có thể là một hình ảnh lung linh thi vị như ở bài Đồng Chí:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Chính Hữu
Đó là một bức ảnh bằng thơ, một thi ảnh tuyệt vời về tình đồng chí, đồng đội của những người lính Cụ Hồ. Không gian thì vừa hoang vắng, vừa buốt giá. Còn có cả những nguy cơ đang rình rập nữa. Nhưng dường như càng hoang vắng, buốt giá,…thì tình đồng chí, đồng đội càng trở thành một điểm tựa tinh thần vững chãi, ấm áp mà vẫn lung linh vời vợi làm sao.
Cũng có thể chỉ là một cử chỉ. Xin dẫn ra đây một bài thơ khá độc đáo: bài Viếng Chồng của Trần Ninh Hồ:
-“Chị ơi…”
Chỉ gọi được thế thôi
Anh chiến sĩ đưa đường bỗng thấy nghẹn lời
Không làm sao anh còn nói nổi
Mộ anh ấy ở bên tay trái
Chỉ có một vòng hoa chị mang từ quê lại
Hoa viếng mộ bân này đã có chúng tôi.
-Chị hiểu ý em rồi
Xin cho chị đặt hoa trên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh có chị đến đây rồi.
Bài thơ giống như một màn kịch cực ngắn. Nó chỉ gồm có hai lời thoại của hai nhân vật: anh chiến sĩ đưa đường và người vợ liệt sĩ đi viếng chồng. Lời thoại thứ nhất là của người chiến sĩ đưa đường đã làm rõ tình huống của câu chuyện và nỗi xúc động nghẹn ngào vì thương chị vợ liệt sĩ đến viếng chồng. Bởi anh ta nghĩ rằng chị đã sơ tâm mà đặt nhầm vòng hoa sang mộ người khác. Lời thoại thứ hai là của chị vợ liệt sĩ. Lời thoại này đã giải thích cử chỉ tưởng như là sơ tâm ấy. Thì ra chị đã không hề ngớ ngẩn sơ tâm đặt nhầm vòng hoa như người chiến sĩ hiểu lầm. Chị cũng không vô tâm chỉ biết đặt vòng hoa lên mộ chồng mình và bỏ mặc ngôi mộ đồng đội của anh đang nằm bên cạnh. Trái lại, chị đã hết sức tuyệt vời khi chủ động đặt vòng hoa sang mộ người liệt sĩ bên cạnh, rồi như tự biến mình thành một vòng hoa khác để viếng mộ chồng:
Xin cho chị đặt hoa trên mộ đó
Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ
Viếng mộ anh có chị đến đây rồi.
Sau cử chỉ này của chị, không ít người đã rưng rưng nước mắt vì sung sướng và cảm phục. Tấm lòng nhân ái vị tha của chị đã xúc động lòng người đọc và có lẽ cũng an ủi được vong linh các liệt sĩ.
Lại cũng có thể chỉ là một lời bình sáng giá. Rồi chính nhờ có lời bình sáng giá này mà vẻ đẹp và ý nghĩa của hình tượng bừng sáng, nhiều khi làm ngỡ ngàng người đọc:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
(Ca dao)
Ba câu tả và một câu bình. Một câu bình thật sự sáng giá bóc ra được cái vẻ đẹp tuyệt vời nhất của hoa sen. Nhờ có vẻ đẹp này mà hoa sen trở thành biểu tượng cho những con người chân chính thanh cao, không ô nhiễm trước hoàn cảnh…Trong thơ ta có thể tìm thấy rất nhiều những lời bình kết thúc một khổ thơ, một bài thơ tương tự:
-Ra thế to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu.
(Tố Hữu)
-Một mình làm cả cuộc phân ly
(Nguyễn Bính)
-Ôi hoa đã rụng vẫn còn ngát hương
(Trần Đăng Khoa)
Trên đây chỉ là loáng thoáng vài ví dụ về những cách cấu tứ đã từng thấy trong thơ. Cố nhiên là không thể nào đầy đủ được. Nhưng điều quan trọng là nó gợi ý ra một số cách tìm tòi, gỡ mở các tứ thơ khi thưởng lãm. Còn với người làm thơ, thì cái “cú hích” ban đầu để họ làm thơ chỉ là cảm hứng. Nói như Huy Cận thì “ Trước hết là một nỗi niềm, ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm hồn”. Lúc ấy chính là những cơ hội để “ý” có thể gặp “hình” mà hình thành tứ thơ. Rồi sau đó tứ sẽ tìm lời, tìm chữ. Tức là “câu chữ đến sau, lời sẽ đến sau” (Huy Cận). Cảm hứng có thể là kết quả của một quá trình tích lũy dần dà, đến một lúc nào đó đủ độ chín thì nó xuất hiện. Cũng có thể chỉ do một gặp gỡ ngẫu nhiên nào đó mà tức thời bùng phát. Nó cũng giống như tình yêu trai gái vậy. Có những mối tình thì phát sinh theo kiểu ngún dần “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Cũng có không ít những mối tình lại chỉ qua một ánh nhìn thoát kiến là lập tức đã dính chặt vào nhau không rời ra được nữa. Cho nên người ta mới gọi nó là “tình yêu sét đánh”.
5/11/2011
Đỗ Đình Tuân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét