Vài ý nói thêm về thơ họa hợp cách

 

Trong cách ăn, cách chơi của các cụ ngày xưa thường có những quy cách rất chặt chẽ. Từ các lối hát đúm, hát ca trù, quan họ…đến chơi thơ xướng họa... Những người tham gia cuộc chơi thường phải tuân thủ rất nghiêm nhặt các quy định ấy. Riêng trong hát ca trù nếu sai quy cách còn phải bị phạt.
Trong các cuộc thi tuyển nhân tài ngày xưa, có một môn thi bắt buộc là thi thơ làm về một đề tài nào đó. Nếu thơ làm sai luật thì sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. chỉ những bài hợp cách mới được xem xét bình chọn về độ hay dở. Tôi cũng đã từng đọc một tài liệu giới thiệu về một CLB thơ của các cụ nho sĩ ngày xưa ở Thanh Hóa. CLB này hàng tháng cũng tổ chức thi thơ để đọ tài cao thấp với nhau. Những người làm thơ không sạch nước cản cũng bị loại khỏi CLB.  Đủ biết các cụ nhà mình  ngày xưa rất coi trọng phép tắc và luật lệ.  
Còn quy cách chơi thơ xướng họa như thế nào tôi đã giới thiệu ở bài “ví dụ về thơ xướng họa hợp cách” rồi. Sở dĩ tôi phải viết bài ấy vì ở các chiếu thơ Đường hiện nay người ta rất hay chê bôi  dè bỉu nhau về niêm với luật, về quy nọ với cách kia. Chẳng hạn có một tác giả có bài mời họa thế này:
Hội thơ cao tuổi của phường ta
Đoàn kết chung vui tựa một nhà
Sinh hoạt thường kỳ luôn nảy lộc
Thơ ca tháng tháng vẫn đơm hoa
Nam thì sôi nổi thơ cùng nhạc
Nữ cũng tưng bừng múa với ca
Đất nước thanh bình tươi sáng mãi
Sân chơi lành mạnh thật chan hòa.
                                (HV)
Có một ông họa lại như sau:
Sao Đỏ thân thương của chúng ta
Thi hữu bên nhau một mái nhà
Tuổi cao đâu chỉ vui hưởng lộc
Góp cho đời trái ngọt thơm hoa
Phái mày râu say thơ với nhạc
Phái đẹp ngọt ngào điệu dân ca
Sống khỏe sống vui đời trẻ mãi
Nặng nghĩa anh em mãi chan hòa.
                        (NVT)
Và cái bài họa này bị chê rất nhiều: nào là chưa biết làm thơ Đường vì thất niêm, vì đối không chuẩn, rồi chưa biết họa thơ vì dùng lại chữ áp vần của bài xướng (chan hòa)…Nghe thì thấy khó chịu nhưng nghĩ ra thì thấy rất trúng và rất công bằng.  Lời ngay thường hay trái tai mà. Nhưng thường thì những lời chê ấy cũng chỉ xì xèo ở bên ngoài thôi vì phải giữ “hòa khí”. Nhưng nếu không thật lòng thì “hòa khí” cũng chỉ là giả tạo.
Đọc trên Tri Ân tôi thấy nhiều bài thơ họa sai quy cách quá. Chắc chắn là thiên hạ coi thấy người ta sẽ đánh giá các thày chẳng ra sao. Vì thế mới có bài “ví dụ về thơ xướng họa hợp cách”. Cố nhiên đây mới chỉ là nói về quy cách chứ không bàn gì  đến chuyện hay dở cả. Thơ đúng cách chưa chắc đã hay mà thơ phá cách đôi khi lại rất hay.
Sau bài đó ít hôm trên Tri Ân lại thấy xuất hiện hai cặp thơ xướng họa giữa  Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, giữa Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh và đưa một cách rất lửng lơ. Không hề có một chú giải gì về mục đích đưa ra. Điều này đã gây ra những băn khoăn thắc mắc cho người đọc. Thanh Dạ trong lời cảm ơn đã viết: “Còn như trong 02 cặp xướng họa do TRI ÂN đưa lên thì BÀI HỌA vẫn có quyền lặp lại cả những từ,những chữ ÁP VẬN ?”
Tôi xin thưa với ông Thanh Dạ rằng quy cách và luật chơi luôn luôn vẫn là quy cách và luật chơi. Không vì Nguyễn Thị Lộ, Hồ Chí Minh không hợp cách  mà quy cách và luật chơi phải thay đổi theo. Chưa kể mấy cặp thơ xướng họa ấy là rút ra từ giai thoại văn học. Tức là do dân gian bịa ra chứ đâu phải thật sự là thơ của Nguyễn Thị Lộ và Hồ Chí Minh. Những ví dụ ấy để trong giai thoại có nó thì được nhưng tách ra như từng giới thiệu trên Tri Ân thì lại là một sai lầm nghiêm trọng.  Bởi vì nó sẽ làm cho người đọc nghiễm nhiên hiểu rằng đó là thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và Hồ Chí Minh thật. Cứ giở Nguyễn Trãi toàn tập, Hồ chí minh toàn tập ra mà coi (phần ghi tác phẩm ấy) sẽ không thấy những bài thơ ấy đâu.

28/11/2011
Đỗ Đình Tuân


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét