Đại Sứ Ted Osius chào hỏi một số người Mỹ gốc Việt tham dự buổi nói chuyện
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói rằng ông rất lạc quan về quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, và nhân quyền tại quốc gia Đông Nam Á này có thể có thay đổi.
Thông điệp này được đưa ra trong buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Little Saigon, California, hôm Chủ Nhật 12/07/2015.
“Qua 20 năm quan hệ Mỹ-Việt, với những gì tôi thấy được, tôi có thể nói, tôi rất lạc quan về quan hệ giữa hai quốc gia. Về nhân quyền, tôi nhận thấy có tiến triển một chút, mặc dù chưa đạt yêu cầu. Nhưng tôi hy vọng sẽ có thay đổi trong thời gian tới,” ông Ted Osius nói một cách tin tưởng.
Ông là người từng làm việc dưới quyền ông Pete Peterson, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam tái lập bang giao năm 1995.
Khi bắt đầu nói chuyện, ông rút trong túi ra một cái thẻ to bằng hai danh thiếp, hai mặt chi chít chữ, rồi khẳng định: “Tôi là một viên chức nhân quyền.
Tại tòa đại sứ, nhân viên của chúng tôi đều mang theo cái thẻ này, để nhắc nhở là mỗi nhân viên tòa đại sứ là một viên chức nhân quyền, để nhắc nhở mỗi nhân viên về những gì chúng tôi đang yêu cầu chính phủ Việt Nam thực hiện.”
“Mỗi khi nói chuyện với chính phủ Việt Nam , tôi luôn nói cải thiện nhân quyền là cột trụ then chốt đối với Hoa Kỳ. Chúng tôi đã đề nghị họ nên cải tổ luật. Chúng tôi sẽ thành công? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng,” ông nói tiếp.
“Tôi hỏi họ, quý vị muốn chọn điều gì? Muốn nhốt thêm người vào nhà tù hay muốn có một nền kinh tế thịnh vượng? Muốn nhốt thêm người vào nhà tù hay muốn giới trẻ được đào tạo thêm?”
Từ trái, Dân Biểu Dana Rohrabacher, Dân Biểu Alan Lowenthal, Dân Biểu Ed Royce, và Đại Sứ Ted Osius trong lúc gặp truyền thông Việt Ngữ.
Ông nói tiếp: “Theo một số thống kê tôi đọc được, 92% người dân Việt Nam - đó là 92% người già, 92% người trẻ, 92% người miền Bắc, 92% người miền Nam - thích nước Mỹ, vì sự thịnh vượng và an ninh mà Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam.”
Về thương mại, ông cho biết, khi ông làm việc ở Hà Nội, giao thương giữa Mỹ và Việt Nam chỉ khoảng $500 triệu. Đến năm 2015 lên đến $36 tỉ, và năm tới sẽ lên $40 tỉ.
Ông cũng cho biết, hiện có gần 17.000 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ, và có một số người Việt giàu có thường xuyên qua lại giữa hai quốc gia.
“Cách đây 20 năm, người dân Việt Nam không sử dụng nhiều Internet. Bây giờ, có tới 40 triệu người Việt Nam sử dụng Internet và Facebook. Cách đây 20 năm, Việt Nam không có tổ chức dân sự, bây giờ có hàng chục tổ chức như vậy,” ông Ted Osius nói tiếp.
Ông giải thích: “Với tất cả những 'qua lại' như vậy, tôi tin là Việt Nam sẽ cởi mở hơn, bởi vì người ta sẽ thấy những giá trị của nước Mỹ, sẽ truyền bá những giá trị này.”
“Đây là cơ hội cho cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ để phát triển quan hệ song phương hơn nữa. Nếu Hoa Kỳ không năng động trong quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ không thể có tiếng nói với Việt Nam, trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề nhân quyền, một nền tảng mà nước Mỹ này được lập nên,” ông Osius giải thích tiếp. “Nếu không nắm lấy cơ hội này là không hoàn thành nhiệm vụ.”
Ông đưa thêm một ví dụ về “sức mạnh” của Mỹ, sau khi có một người đề cập chuyện một số nhà tranh đấu nhân quyền bị làm phiền và ngăn cản không cho gặp các nhà ngoại giao Tây Phương ở Hà Nội.
“Đối với các nước khác thì tôi không biết, nhưng khi giới chức Hoa Kỳ cần gặp bất cứ ai, họ (chính quyền Việt Nam ) đều không ngăn cản. Họ rất cần người Mỹ, họ rất biết nghe người Mỹ,” ông giải thích.
Rồi ông đưa ví dụ Dân Biểu Alan Lowenthal (Dân Chủ-California), một thành viên Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ, được gặp Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ và thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa trong chuyến thăm Việt Nam hồi Tháng Năm.
Tuy vậy, ông cũng cảnh báo rằng: “Cái gì cũng có may rủi của nó, nhưng trong trường hợp này – gia tăng quan hệ Việt-Mỹ – đáng để cho Mỹ hợp tác hơn nữa với Việt Nam .”
Nhiều người Việt Nam xếp hàng chờ vào gặp Đại Sứ Ted Osius.
Ông cũng cho biết, quan hệ Việt-Mỹ là hai bên cùng có lợi.
Ông nói: “Trong chuyến thăm của Tổng Bí Thứ Nguyễn Phú Trọng mới đây, hai bên đã ký kết một số văn bản, ví dụ Boeing sẽ bán một số máy bay cho Vietnam Airlines, với hợp đồng trị giá 7 tỉ USD, và cho VietJet, với hợp đồng trị giá 6 tỉ USD. Con số 13 tỉ USD không phải là nhỏ, và nó tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ, đồng thời giúp giảm thâm thủng thương mại giữa hai quốc gia.”
Trong phần trả lời câu hỏi của cử tọa, ông Đại sứ đã trả lời nhiều câu hỏi của cử tọa, về nhiều vấn đề như nhân quyền, tự do tôn giáo, chiến tranh Việt Nam, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, tài sản của người Mỹ gốc Việt bị CSVN tịch thu, ...
Sau đó, ông có một cuộc gặp gỡ với giới truyền thông Việt Ngữ, và trả lời một số câu hỏi liên quan đến thương mại, xuất cảng sản phẩm văn hóa của người Việt hải ngoại vào Việt Nam, kết nghĩa giữa các thành phố thuộc hai quốc gia,...và cả chuyện ông biết nấu một số món ăn Việt Nam như bánh xèo, bánh chưng, và bún bò Huế.
Khi được một phóng viên hỏi về điều kiện cho Việt Nam để Hoa Kỳ hủy bỏ toàn bộ cấm vận bán vũ khí sát thương, ông Ted Osius khẳng định: “Tôi đã nói thẳng với phía Việt Nam, nếu không cải thiện nhân quyền một cách sâu rộng, thì Hoa Kỳ không thể hủy bỏ toàn bộ lệnh cấm vận. Và họ hoàn toàn hiểu điều này. Muốn thịnh vượng và an ninh thì Việt Nam phải cải thiện nhân quyền.”
Buổi gặp gỡ giữa Đại sứ Mỹ và cộng đồng còn có sự tham dự của bốn vị dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Ed Royce (chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện), Alan Lowenthal, Loretta Sanchez, và Dana Rohrabacher.
Cũng trong sáng Chủ Nhật, Đại Sứ Ted Osius có đến thăm chùa Phật Quang ở Huntington Beach , nơi đặt Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Chiều Chủ Nhật, ông có đến gặp bà Janet Nguyễn, thượng nghị sĩ tiểu bang California .
Tối Thứ Bảy, ông gặp một số đảng phái trong cộng đồng Việt Nam , qua một buổi tiệc được tổ chức tại nhà hàng Q1 ở Westminster .
Theo dự trù, ông sẽ gặp Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ và Giám Sát Viên Orange County Andrew Đỗ vào ngày Thứ Hai.
Đỗ Dzũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét