ĐÔNG LA
CHÚC MỪNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM !
Theo chính trang http://vanvn.net/, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà Văn VN, sáng 11/7/2015, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX. Đại hội đã thành công rực rỡ. Ban Chấp hành mới được bầu gồm có 6 người: Nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Cái tôi thấy được nhất ở cái ban chấp hành này là họ đều là những người có thiện tính. Nhà thơ Hữu Thỉnh, người lính xe tăng khi xưa, cao phiếu nhất, tiếp tục “tại vị” Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam .
(Từ phải qua: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh,
Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bình Phương)
Tôi không phải Hội viên Hội Nhà Văn VN, thậm chí còn bị “nó” chơi xấu, nhưng vẫn viết lời chúc mừng, cũng như tôi không phải đảng viên mà viết bảo vệ Đảng vậy. Đơn giản là vì phải khách quan thôi. Có một điều thú vị là ông “cựu bạn thân” Nguyễn Quang Thiều, một người vốn luôn thân thiện với tất cả mọi người, nhưng trên http://m.phapluattp.vn/ đã trả lời phỏng vấn mà tôi thấy lần đầu Thiều nói rõ chính kiến, lại rất được, rất “đanh thép” nữa:
“Phó Chủ tịch HNV Nguyễn Quang Thiều cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại hội IX là sửa đổi Điều lệ HNV. Có hai điểm quan trọng trong việc sửa đổi lần này. Một là về tư cách hội viên: Điều lệ chỉ thêm quy định hội viên HNV không tham gia những tổ chức bất hợp pháp, tức là những tổ chức chưa được luật pháp công nhận. Đối với những người đang là hội viên HNV Việt Nam mà tham gia các tổ chức khác thì chỉ được quyền lựa chọn tham gia một trong hai hội. “Trong cuộc chơi bình thường người ta không thể tham gia hai hội có cương lĩnh mục đích khác nhau. Những hội viên tham gia đều hiểu rõ luật chơi. Điều này thật đơn giản và rõ ràng, sòng phẳng với bất cứ tổ chức nào” - ông Thiều nói.
Hai là điều lệ bổ sung thêm việc công nhận những hội viên danh dự là người nước ngoài.
Liên quan tới việc hơn 20 nhà văn rút ra khỏi HNV, Phó Chủ tịch HNV Nguyễn Quang Thiều cho hay: Hiện có 26 nhà văn tham gia Ban Vận động Văn đoàn độc lập. Thật ra ý kiến yêu cầu xử lý các nhà văn này ngay từ đầu lại đến từ chính các hội viên. Họ nêu câu hỏi: “Tại sao Ban Chấp hành HNV không xóa tên các nhà văn đó?”. Tuy nhiên, chủ trương của hội là lắng nghe, đợi chờ các nhà văn, nhà thơ đó. Theo ông Thiều, sau khi trao đổi, một số nhà văn đã xin ra khỏi Ban Vận động Văn đoàn độc lập, kể cả những nhà văn ở nước ngoài. Đối với HNV, theo tôi biết, mới chỉ nhận được một hoặc hai đơn chính thức.
“Thực tế có những nhà văn rất có uy tín, đóng góp của họ đối với hội và văn học Việt Nam rất lớn. Chúng ta trân trọng những điều đó. Khi trao đổi và thuyết phục không được, hội sẽ xử lý căn cứ theo điều lệ và các quy chế liên quan” - ông Thiều nói”.
Còn tôi, tôi không sống bằng nghề văn nhưng lại quá nặng nợ với văn chương. Đã có biết bao ân tình, ân nghĩa, từ người dắt tôi vào văn chương là cô Anh Thơ, chú Chế Lan Viên, rồi các mối quan hệ thân tình với anh Hoài Anh, anh Thái Thăng Long (chính anh Long đã in cho tôi hai tập sách ở nxb Trẻ o mất tiền), Nguyễn Hữu Sơn ở Viện Văn, anh Hồng Diệu và anh Đỗ Viết Nghiệm ở TC Văn nghệ QĐ, v.v… Đối với xã hội thì tôi không phải là người viết nổi tiếng nhưng với Hội Nhà Văn Việt Nam và cả giới viết lách nói chung thì tôi tin là hầu hết mọi người biết tôi. Với Ban lãnh đạo mới của Hội thì càng biết rõ. Anh Hữu Thỉnh từng gọi điện trực tiếp truyện trò tâm sự; Anh Nguyễn Trí Huân hồi làm TBT Tạp chí VNQĐ, từng hai lần liên tiếp, 1997-1998, ký công thư báo tôi được tặng thưởng hàng năm của tạp chí, mới đây tôi còn được biết, không biết “Trên” phân công thế nào mà anh là người trực tiếp mang cuốn “Bóng tối của ánh sáng” của tôi đi in ở nhà xuất bản. Còn với riêng Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa thì với tôi có cả một câu chuyện dài, hôm nay mới có cớ mà “bật mí”.
Số là vài chục năm về nước, trong giới tôi cũng đã rất được chú ý, cũng lại đồng hương Hải Dương nữa, nên thông qua Nguyễn Hữu Sơn (giờ là Viện phó Viện Văn) Trần Đăng Khoa đã có nhã ý mời tôi đến nhà dùng cơm. Tôi đã cùng Sơn đến căn hộ của Khoa ở Lý Nam Đế. Tôi nói ăn cơm rồi nên Khoa sửa soạn nước non và trái cây tiếp tôi thôi. Còn nhớ Khoa hào hứng dẫn tôi giới thiệu căn hộ, khoe cửa gỗ đàng hoàng thế này thế nọ, hồi đó “chàng” còn độc thân. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên và duy nhất ấm áp đó, có một bài toán đặt ra trước mắt tôi, giữa Trần Đăng Khoa và Nguyễn Quang Thiều tôi chọn ai? Vì Khoa có viết một bài “chơi” Nguyễn Quang Thiều. Mà Thiều với tôi lúc đó dù không có cảnh “kết nghĩa vườn đào” nhưng từng nói với tôi một câu có nghĩa tương tự: “Ông là một thành viên của nhà tôi”! Với chuyện viết lách, việc Khoa viết về Thiều là một điều hệ trọng đối với sự sáng tạo trong một tác phẩm. Về tài năng của hai người tôi đều trân trọng, nhưng với Khoa thì như là cái đã rồi, thành danh rồi, tôi nghiêng về Thiều hơn, vì Thiều có những khuynh hướng lạ. Vậy là tôi đã “quyết”, tôi đã ra tay bảo vệ Thiều và “uýnh” Khoa! Nhưng vẫn nhớ viết câu xin lỗi Khoa, Thiều dậm dọa: “Một cái đầu như ông không được phép xin lỗi như vậy!” Thiều không chỉ một lần gọi tôi là “một cái đầu” như thế. Chưa hết chuyện, sau đó Trần Đăng Khoa có cho chào đời cuốn “Chân dung và đối thoại” nổi như cồn, có cơ được giải thưởng. Tôi giống như đâm lao rồi lao tiếp luôn, tôi đã phê phán cuốn sách của Khoa. Cái kích thích tôi viết chính là cái thái độ “ông kễnh” mà Khoa tỏ ra trong đó. Một người anh cho tôi biết, bài viết còn được chuyển đến tận tay ông Tố Hữu và “lão thi sĩ” đã rất thích thú đọc nó nữa. Cuối cùng cuốn của Khoa trượt giải. Không biết có phải là do bài viết đó của tôi không?
Đến tận hôm nay tôi vẫn tin về lý thì tôi đúng nhưng về tình thì tôi đúng là có lỗi nặng với ông nhà thơ thần đồng kiêm đồng hương Trần Đăng Khoa. Tôi viết thì như hổ báo nhưng thực tế thì sống lại rất nặng tình. Có thể Trần Đăng Khoa cho là chuyện vặt và quên rồi nên chắc Khoa không thể ngờ rằng suốt vài chục năm qua tôi vẫn luôn áy náy về chuyện ấy. Nhưng chỉ là chút áy náy thôi. Phải tận gần đây, do cơ trời xếp đặt, tôi đã bảo vệ rồi thân thiết với cô Vũ Thị Hòa, không ngờ rằng Trần Đăng Khoa cũng thân thiết và rất bái phục cô trước tôi. Trong các cuộc điện thoại cô hay nhắc đến Trần Đăng Khoa và cô cho tôi biết một điều bất ngờ là: “Anh Khoa anh ấy rất quý trọng anh đấy!” Vừa rồi tôi từng nói có cảm giác như chặt nhầm vào tay khi viết sai về Nguyễn Quang Thiều thì lần này, khi nghe cô Hòa nói thế, tôi cũng lại có cảm giác như chặt nhầm vào tay y như vậy. Khi còn giận Thiều tôi đã day dứt: “Vậy mình từng “uýnh” Khoa bênh Thiều thì có đúng không?”
Về lý tôi vẫn thấy mình không sai nhưng về tình rõ ràng là quá sai! Tôi như bị kẹp ngạt thở giữa hai cái tảng đá đúng, sai đó. Có lẽ trong vụ trên cái sai nhất của tôi là cố chấp, là không biết bỏ qua những cái sai hồn nhiên, những thói tật thường tình của cái giống người.
Còn đến giờ tôi cũng đã phê người này, phán người nọ rất nhiều, có lẽ nhiều nhất VN, chỉ đơn giản thấy sai trái không viết thì không chịu được. Nhưng viết xong cũng lại áy náy. Vì thực ra đâu phải việc của tôi, tại sao mình cứ phải đi làm mất lòng người ta? Nhưng rồi lại tự hỏi, có những cái tôi không viết thì ai viết được? Nếu tất cả xã hội ai cũng mũ ni che tai, để trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh thì cái xã hội ấy sẽ như thế nào?
12-7-2015
ĐÔNG LA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét