NẾU VIỆT CỘNG CHỌN HOA KỲ LÀ ĐỒNG MINH. TRUNG CỘNG CÓ TÁI DỤNG ĐỐI SÁCH 1979?
Sau chuyến đi Hoa kỳ của Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ ngày 7 đến 10-7-2015 vừa qua, có dự đoán lạc quan rằng Việt cộng có thể chấm dứt chính sách ngoại giao đi dây bao lâu nay, dứt khoát chọn Hoa Kỳ là đồng minh, không phải để dương đầu với các đồng chí Trung quốc, mà chỉ cốt tìm một thế dựa để được bảo vệ trước việc nước này ỷ mạnh lấn yếu, ngày càng có hành động trắng trợn lấn chiếm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, coi thường công luận và luật pháp quốc tế.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là, nếu dự đoán trên xẩy ra trên thực tế, liệu Trung Cộng có lập lại đối sách năm 1979 khi Việt cộng ngả theo Liên Xô? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lần lượt trình bầy:
- Đối sách với Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc.
- Trung Quốc có lập lại đối sách năm 1979 với Việt Nam ?
- Kết luận.
I/- ĐỐI SÁCH VỚI VIỆT NAM NĂM 1979 CỦA TRUNG QUỐC.
Theo nhận định của chúng tôi, sau khi Việt cộng ngả theo Liên Xô, đối sách năm 1979 của Trung quốc có mục đích trừng phạt và khuất phục Việt Nam bằng cách gây khó khăn nghiêm trọng, toàn diện vế đối nội cũng như đối ngoại cho Việt Nam . Để thành đạt mục đích này, Trung cộng đã tiến hành các biện pháp tấn công quân sự , phá hoại kinh tế, gây bất ổn chính trị và cô lập Việt Nam trên trường quốc tế hầu dễ bề ỷ thế nước lớn mạnh “bắt nạt” một nước láng giềng nhỏ yếu như Việt Nam.
Thật vậy, như mọi người đã biết, trong thời kỳ chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, cuộc tranh chấp quyền lãnh đạo phe xã hội chủ nghĩa giữa Liên Xô và Trung Cộng đã đến mức phân hai khối cộng sản, một số nước theo Liên Xô, một số nước theo Trung cộng. Việt Nam trong thời kỳ này, đất nước bị chia đôi theo Hiệp Định Geneve 1954, Việt cộng thống trị Miền Bắc đang làm công cụ mũi nhọn tấn công mở mang bờ cõi cho đế quốc cộng sản quốc tế, đã phát động và tiến hành cuộc chiến tranh nhuộm đỏ Miền Nam Việt Nam thuộc chính quyền quốc gia, được Hoa kỳ và các nước đồng minh phe tư bản chủ nghĩa yểm trợ như một công cụ ngăn chặn, đẩy lùi cuộc xâm lăng của cộng sản Bắc Việt. Vì nhu cầu chiến tranh cần sự yểm trợ vũ khí, lương thực của cả Liên Xô và Trung cộng, nên nội bộ Việt cộng lúc đó dù có mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng thân Nga và thân Tầu, song vẫn cố giữ thế trung lập. Nhưng sau khi cuộc nội chiến Quốc-Cộng chấm dứt vào ngày 30-4-1975, đã đến lúc Hà nội phải dứt khoát chọn Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh và khuynh hướng thân Nga đã thắng thế nên đã chọn Liên Xô là “Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” của mình. Giận kẻ bạc tình, vong ơn bội nghĩa (do Trung cộng đã tài trợ cho Việt cộng ¾ chi phí trong chiến tranh), Trung cộng đã sử dụng lá bài Kapuchia để dẫn vào một đối sách trừng phạt kẻ “tham phú” (vì Việt Nam đã chọn Liên Xô giầu mạnh hơn), phụ bần (bỏ Trung cộng lúc đó nghèo yếu hơn Liên Xô). Đối sách này gồm ba mũi giáp công.
1.-Mũi nhọn thứ nhất, Trung cộng đã sử dụng chính quyền công cụ Pol Pot và Ieng Sary ở Kampuchia mở các cuộc tiến công quân sự quấy phá biên giới Tây Nam, đánh chiếm vài đảo nhỏ của Việt Nam, kích động lòng hận thù dân tộc…Mục đích của mũi nhọn này như nhằm chọc giận Việt cộng để dụ “kẻ phản bội” vào thế sa lầy ở Kapuchia. Hà Nội đã mắc mưu, sau ba năm chịu đựng sự quấy phá quân sự, với những tổn thất nhân lực, tài lực đáng kể, Việt cộng đã không còn kìm chế được nữa, nên đã kéo đại binh chính phạt Pot-Pot vào mùa xuân năm 1979.
Trong vòng không đầy một tháng tiến công, quân đội nhân dân Việt Nam đã “giải phóng” được đất nước Chùa Tháp khỏi nạn diệt chủng vào ngày 7-1-1979, trước sự kháng cự yếu ớt đáng ngạc nhiên của quân Khmer Đỏ. Mặc dầu Hà Nội cố giải thích hành động này như là làm theo yêu cầu của “chính phủ Cộng Hòa Nhân Campuchia” (với chính quyền Heng Samring do Hà Nội dựng lên) để cứu nhân dân nước này khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ. Thế nhưng nói gì thì nói, hành động kéo quân chiếm đóng Kampuchia của CSBV lúc đó đã bị cả thế giới lên án là kẻ xâm lược. Chế độ Hà Nội bị cô lập về chính trị, ngoại giao và bị bao vây kinh tế bởi chính sách cấm vận của Hoa Kỳ được hầu hết các nước tư bản tham gia. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu lệ thuộc Mạc Tư Khoa thì đang có nhiều khó khăn nội bộ, lại không có lợi ích gì nên chỉ biết đứng nhìn Trung cộng tự tung tự tác đưa Việt cộng vào cái bẫy mà Trung cộng gài cho Việt cộng sa vào. Vì Trung cộng đã cho công cụ của mình tháo chậy mà không kháng cự theo kiểu “Di tản chiến thuật” của Quân lực VNCH trước đây, bỏ ngỏ Pnom Penh như VNCH bỏ ngỏ các thành phố ở Nam Việt Nam cho Việt cộng tiến vào tiếp thu.
Thế nhưng, Việt cộng tiến vào Kampuchia thì dễ, rút ra khó, vì đây là “trận địa vũng lầy” được Trung cộng chuẩn bị cho Việt cộng sa vào chỉ có lún sâu không thể rút ra. Đây quả là ý đồ thâm độc của Trung cộng, vì nếu không họ đã phải có hành động khác hơn là kéo quân vào cứu nguy công cụ Pon Pot, điều mà Trung cộng có thể làm được như đã từng làm trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ý đồ thâm độc của Trung cộng chính là để cho Việt cộng phải ngã sấp mặt vào vũng lẫy Kampuchia và cũng muốn kéo Liên Xô vào cuộc. Vì từ đây Việt cộng đã phải ôm lấy chiến trường Kampuchia và thực tế đã phải chịu đựng một cuộc chiến tranh hao người tốn của kéo dài hàng chục năm như mọi người đã biết (1979-1991)
2.-Mũi nhọn thứ hai là sau khi gài thế chôn chặt hai chân Việt cộng vào vũng lầy chiến tranh trường kỳ ở Kampuchia và những khó khăn chồng chất hậu chiến, Trung cộng đã mở cuộc đại tấn công quân sự tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam gọi là để “dậy cho Việt Nam một bài học”.
Theo tài liệu tố cáo của Việt cộng, trong trận chiến này,Trung cộng đã huy động tới 600.000 quân, với 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn trọng pháo, hàng trăm máy bay đủ loại, đồng loạt mở cuộc tấn công trên toàn biên giới phía Bắc Việt Nam dài khoảng 1000 km. Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ cải cách hàng đầu của Trung cộng (tác giả câu nói phản ý thức hệ cộng sản “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là mèo bắt được chuột”) lúc đó gọi hành động quân sự này là để “dậy cho Việt Nam một bài học”. Trên thực tế, Trung cộng đã tự rút về, sau một tháng tấn công, chiếm đóng sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (Từ 17-2 đến 18-3-1979), triệt phá các cơ sở chính quyền, kinh tế của Việt Nam, tàn sát nhiều người, phá trụi bốn thị xã Lào Cai, Cẩm Đường, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Nhận định về hành vi quân sự của Trung cộng ngang nhiên đánh chiếm một vùng lãnh thổ của một quốc gia láng giềng là Việt Nam, cũng là hội viên Liên Hiệp Quốc, vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và công pháp quốc tế, đúng ra phải bị cộng đồng thế giới lên án quyết liệt và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải có biện pháp tức thời đối với hành động xâm lăng trắng trợn này của một nước lớn đối với một nước nhỏ. Thế nhưng cộng đồng thế giới, ngay cả Liên Hiệp Quốc lúc đó cũng chỉ có phản ứng chiếu lệ. Ngay cả Liên Xô lúc đó cũng không dám ra mặt bênh đỡ và không có hành động quyết liệt nào để cứu nguy Việt cộng, dù biết rằng đây là hậu quả của lòng trung thành khi Hà Nội tuyên xưng nhận Moscow là “Tổ quốc xã hôi chủ nghĩa” của mình (Vì lúc đó nội tình Liên Xô đang gặp nhiều nguy cơ phải giải quyết và không thấy có lợi ích gì phải ra mặt bênh đỡ, có chăng là ngầm chi viện cho một số vũ khí tồn đọng).
3.- Ngoài hai mũi nhọn trên, Trung cộng còn tung mũi nhọn tấn công trên lãnh vực kinh tế và chính trị của Việt cộng.
Về kinh tế, ngay sau khi Hà Nội nghiêng hẳn về Mạc Tư Khoa (Moscow), lập tức Bắc Kinh đòi nợ khẩn cấp, cắt hết viện trợ hậu chiến, ngưng ngang các công trình đang xây dựng và rút hết chuyên gia về nước. Đồng thời cắt đứt đường vận chuyển qua đường sắt Vân Nam-Hà Nội, vốn là con đường vận tải đường bộ duy nhất lúc bấy giờ để Liên- Xô và các nước xã hội chủ nghĩa giao lưu hàng hóa với Việt cộng; khó khăn là từ nay Hà Nội chỉ còn đường biển để giao thương với bên ngoài.Hệ quả là nhân dân cả nước ăn “bobo” (thực phẩm dành cho súc vật do Liên Xô chi viện), trừ giai cấp cán bộ đảng viên có chức có quyền và dân giả giấu có.Về chính trị, mũi nhọn Trung cộng tấn công Việt cộng vào thời điểm này là vụ “Nạn kiều” vào năm 1978, nhằm gây xáo trộn chính trị, kinh tế, gây bất ổn xã hội cho chế độ Việt cộng…
II/- TRUNG QUỐC CÓ LẬP LẠI ĐỐI SÁCH NĂM 1979 VỚI VIỆT NAM ?
Quá khứ là vậy, còn hiện tại và tương lai thì sao?
Theo nhận định của chúng tôi, câu trả lời tổng quát là: Trung cộng ngày nay sẽ không giám sử dụng lại đối sách trên đây đối với Việt Nam, một khi thực tế Hà nội chọn Hoa Kỳ là đồng minh, để thoát khỏi sự kìm kẹp trấn áp bao lâu nay của các đồng chí Bắc Kinh đầy tham vọng bá quyền, xâm lăng các nước nhỏ yếu trong vùng, trong đó có Việt Nam. Vì sao?
Là vì vị thế và tình hình Việt Nam trong tương quan với cộng đồng các quốc gia trên thế giới ngày nay so với 36 năm trước đây (1979-2015) đã khác xa. Chiến lược toàn cầu hay là nền trật tự quôc tế mới hay là một hệ thống kinh tế quốc tế mới đã được các cường quốc xác lập từ lâu, trong đó có sự tham gia của cả cường quốc Trung cộng và Việt Nam cũng đã và đang đi vào nền trật tự ấy. Hơn ai hết, ngày nay Trung Quốc phải hiểu là mình không còn có thể tự tung tự tác muốn làm gì thì làm mà không gánh hậu quả nghiệm trọng về chính trị, kinh tế và ngoại giao. Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc tư bản sẽ không đứng nhìn Trung quốc tự tung tự tác như thới khoảng năm 1979.
Vì vậy có thể nhận định rằng, cả ba mũi giáp công của đối sách năm 1979, Trung cộng sẽ không thể tái dụng được để gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” một khi Việt Nam chọn Hoa kỳ là đồng minh.
1.- Thực tế Trung cộng sẽ không thúc đẩy đến cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt Nam-Kapuchia để có cớ trừng phạt Việt Nam, mặc dầu có những dấu hiệu khơi mào tương tự đưa Việt cộng đến cuộc chiến tranh chinh phạt Kampuchia vào năm 1979 ; và mặc dầu có những tin đồn đoán đôi bên có sự chuyển quân về phía biên giới. Nếu có bàn tay xúi dục gây xung đột biên giới Việt-Miên của Trung Quốc thì chỉ có ý nghĩa phụ họa với những lời hù dọa quân sự quen thuộc lâu nay qua các cơ quan truyền thông không chính thức của Bắc Kinh mà thôi.
Dấu hiệu khơi mào đầu tiên trước chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư đảng CSVN là việc Kampuchia đã chủ động khơi lại vấn đề tranh chấp biên giới với Việt Nam xẩy ra vào ngày 28-6-2015 và những hành động tiếp theo vào những ngày sau đó trên vùng biên giới giáp ranh tỉnh Svay Rieng của Campuchia và tỉnh Long An của Việt Nam.
Dấu hiệu tiếp theo xẩy ra một ngày sau chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư đảng CSVN là một phái đoàn gồm 23 quan chức quân sự và an ninh cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn đầu khởi sự chuyến đi 5 ngày tới Bắc Kinh hôm 8 tháng 7. Tạp chí mạng Diplomat hôm 13-7-2015 đăng bài viết của ông Prashanth Parameswaran, chủ biên của tạp chí này, tường thuật rằng Trung Quốc không nói gì nhiều về tin này trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng chuyến thăm nằm trong khuôn khổ một cuộc ‘trao đổi thường niên’. Nhưng tác giả bài viết lưu ý rằng tham gia chuyến đi có các Tư Lệnh của cả 3 quân chủng thuộc Quân đội Hoàng gia Campuchia, và Tư Lệnh Quân Cảnh Quốc gia. Nhà báo này nói sự hiện diện của các quan chức quân sự cấp cao nhất của Campuchia nói lên tầm quan trọng của chuyến đi, bất chấp lời phát biểu của ông Tea Banh, cố làm giảm tầm quan trọng của chuyến đi. Chuyến đi cũng diễn ra chỉ vài ngày sau các cuộc xung đột biên giới giữa Campuchia và Việt Nam vào cuối tháng 6.
Thế nhưng trên thực tế, cũng có những dấu hiệu cho thấy những xung đột lẻ tẻ ở biên giới Việt-Miên sẽ không dẫn đến chiến tranh giữa hai nước như năm 1979. Nhà chức trách hai nước đã tức thời gặp nhau và khẳng định tiếp tục giải quyết vấn đề biên giới thông qua thương lượng, căn cứ trên bản đồ lịch sử và luật pháp quốc tế. Chính Thủ Tướng Kampuchia Hunsen cũng đã cho hay là Ông đã yêu cầu các chính phủ Pháp, Anh, Hoa Kỳ cung cấp cho các bản đồ ổn cố từ thời Đông Dương thuộc Pháp làm căn cứ để xác định biên giới hai nước, mà ông tin văn khố các nước này hiện còn lưu trữ.
2.- Mặc dầu có nhưng sự đồn đoán về sự chuyển quân về phía biến giói Việt- Trung, song Trung cộng sẽ không giám ngang nhiên tấn công quân sự gọi là để “dậy cho Việt Nam một bài học” như năm 1979, nếu nay Việt Nam ngả theo Hoa Kỳ. Vì Hoa Kỳ hiện nay khác Liên Xô trong quá khứ. Hoa Kỳ sẽ không đứng nhìn Trung cộng tự tung tự tác như Liên Xô trước đây. Vì Hoa Kỳ không phải là “Con Cọp giấy” như Trung cộng thường rêu rao trước đây, mà là “Con Cọp thật” đã và đang thể hiện sức mạnh thực sự của một mãnh hổ, vượt trội Trung quốc về quân sự cũng như nhiều mặt khác, để nếu xẩy ra bất cứ xung đột quân sự nào, ưu thế vẫn nghiêng về phía Hoa Kỳ.
Vì vậy, Hoa Kỳ đã khộng ngần ngại công khai lên án mạnh mẽ hành động xâm lấn Biển Đông, lấn áp các nước nhỏ yếu trong vùng trong đó có Việt Nam của Trung Quốc và khẳng định nhiều lần, rằng Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia trong vùng Biển Đông phải bảo vệ. Hoa Kỳ không chỉ công khai lên tiếng bầy tỏ quyết tâm mà còn đi kèm các hành động chuẩn bị quân sự cần thiết, chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Đồng thời, cũng công khai bằng lời nói và hành động cho Trung cộng ngầm hiểu rằng Hoa Kỳ vì quyền lợi thiết thân, công lý, ổn định khu vực và hòa bình thế giới, sẽ sẵn sàng can thiệp, bảo vệ các quốc gia trong vùng, trong đó có Việt Nam, trước ý đồ xâm thực và tham vọng độc chiếm biển đông của Bắc Kinh.
Dường như Trung cộng cũng hiểu được ý chí, quyết tâm và hành động thực sự của Hoa Kỳ lần này không thể coi thường. Vì vậy đã có dấu hiệu một sự xoa dịu tình hình. Một điển hình là ngay sau chuyến đi Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư đảng CSVN, Phó Thủ Tướng Trung quốc đã tới thăm Việt Nam trong ba ngày (16 đến 19-7-2015). Theo Tân Hoa Xã, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong cưộc gặp Ông Sang, Phó Thủ Tướng Trung Quốc nói rằng mối quan hệ truyền thống, do hai lãnh đạo của hai nước là Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh từng nuôi dưỡng, là “một tài sản quý giá của hai đảng và nhân dân hai nước”. Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng được trích lời nói thêm rằng vì “quyền lợi cơ bản của hai nước, cần phải thắt chặt mối quan hệ truyền thống này”. Bản tin của Tân Hoa Xã không đề cập tới vấn đề tranh chấp biển Đông.
Tuy nhiên, báo chí Việt Nam cho hay, trong cuộc gặp với ông Trương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên “tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về những bất đồng trên biển và sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.
Trong các bức ảnh được truyền thông quốc tế đăng tải, các nhà lãnh đạo Việt Nam cười tươi khi đón tiếp quan chức từ nước láng giềng phương Bắc, trái ngược hẳn khi lãnh đạo đôi bên gặp nhau hồi năm ngoái, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu gây tranh cãi vào vùng biển mà Hà Nội nói là thềm lục địa của mình.
Về sự thân mật giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Trương, một bản tin của Channel NewsAsia có tựa: “Cái ôm chặt của tình anh em Việt – Trung sau chuyến đi Mỹ lịch sử” đã đưa ra nhận xét, rằng chuyến đi của Phó Thủ tướng Trung Quốc diễn ra nhanh chóng ngay sau khi ông Trọng kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ, là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tăng cường nỗ lực củng cố quan hệ với nước cựu thù có mối quan hệ gần gũi nhưng đầy sóng gió với Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng điều đó đang đẩy Việt Nam vào thế tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington.
3.- Ngoài hai mũi nhọn trên của đối sách năm 1979 không giám tái sử dụng, Trung cộng có thể tung mũi nhọn tấn công trên lãnh vực kinh tế và chính trị của Việt cộng ?
Vì kinh tế Việt Nam hiện nay lệ thuộc kinh tế Trung quốc khá nhiều mặt, nhưng nếu Bắc Kinh đã chọn đối sách hòa dịu, sẽ không sử dụng mũi nhọn này tấn công Việt Nam. Nếu có sử dụng đi nữa cũng không gây khó khăn nhiều cho Việt Nam như năm 1979. Vì nền kinh tế Việt Nam khác xưa, không còn bị bế môn tỏa cảng (do chế độ kinh tế chỉ huy, bị cấm vận) , mà nay kinh tế đã vững mạnh nhờ mở rộng làm ăn theo kinh tế thị trường. Nếu Trung quốc gây khó khăn về kinh tế, Việt Nam sẽ vượt qua, nhờ sự trợ giúp của Hoa Kỳ và các nước tư bản có đầu tư tại Việt Nam .
Về chính trị, Trung quốc cũng khó tạo biến cố gây bất ổn chính trị cho Việt Nam . Vì một khi chọn Mỹ và các cường quốc tư bản là đồng minh, thoát khỏi sự kềm kẹp của Trung cộng, chế độ sẽ tạo được sức hậu thuẫn mạnh mẽ của toàn dân, tình hình chính trị sẽ ổn định và ngày một củng cố, sẽ vô hiệu hóa mọi thủ đoạn của Trung cộng nhằm phân hóa nội bộ, gây bất ổn chính trị và xáo trộn xã hội Việt Nam.
III/- KẾT LUẬN:
Tóm lại, theo nhận định của chúng tôi, nếu Việt cộng chọn Hoa kỳ là đồng minh, Trung cộng sẽ không thể thực hiện đối sách năm 1979 với Việt Nam, sau khi Việt cộng ngả theo Liên Xô. Vì tình hình Việt Nam và cục diện thế giới đã thay đổi. Tư thế và nội lực Hoa Kỳ ngày nay khác tư thế và nội lực Liên Xô ngày xưa. Trung cộng chắc cũng đã hiểu rõ điều đó và có đủ khôn ngoan để có một đối sách khác hơn năm 1979 đối với Việt Nam vì quyền lợi thiết thân của mình.
Nếu các nhà lãnh đạo đảng và nước Việt Nam hiện nay không chọn Hòa Kỳ là đồng minh, thì sẽ mất cơ hội vô tiền khoáng hậu để thoát khỏi sự kềm kẹp bao lâu nay của Trung cộng, để cứu nước và cứu chính đảng CSVN, họa mất nước chỉ còn là vấn đề thời gian. Đảng CSVN sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước quốc dân và lịch sử Việt Nam mai hậu./.
Thiện Ý
0 nhận xét:
Đăng nhận xét