--------------------------
Việc cần làm ngay là đẩy mạnh sáng tác, kiện toàn công tác tổ chức Hội Nhà văn
Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX vừa kết thúc tại Hà Nội (ngày 11-7-2015), thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhà thơ Hữu Thỉnh (trong ảnh), Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020) đã có những chia sẻ thẳng thắn về những vấn đề diễn ra trước, trong và sau đại hội.
Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, ông có thể đưa ra đánh giá nhanh về những thành công và những điều tạm gọi là chưa thực hiện được trọn vẹn tại Đại hội lần này?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Thành công thứ nhất, Đại hội đã diễn ra thật sự dân chủ, đúng theo tinh thần của Ban chỉ đạo Đại hội các hội văn học - nghệ thuật toàn quốc, đó là: Đại hội nhà văn là đại hội của các nhà văn. Tất cả các quyết định quan trọng nhất đã được thảo luận thẳng thắn, biểu quyết công khai, chặt chẽ, đúng quy chế của Đại hội. Thành công thứ hai, là sự nhất trí rất cao: Hội Nhà văn nhiệm kỳ tới phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, đặc biệt là tư duy văn học, tư duy tổ chức; đưa Hội lên một tầm cao mới của sáng tạo với ba tiêu chí: chất lượng, hiệu quả, chuyên nghiệp. Thành công thứ ba, là trách nhiệm xã hội của các nhà văn đã thể hiện tại đại hội: Đó là trách nhiệm của người cầm bút trước vấn đề đạo đức xã hội, vấn đề Biển Đông và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Tuy nhiên, vẫn có những cái chưa đạt được như mong muốn, Đại hội chỉ bầu được sáu ủy viên BCH, bằng khoảng 40% so với nhiệm kỳ trước.
PV: Kết quả này có làm ông bất ngờ không?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Việc BCH Hội Nhà văn chỉ có từ năm đến sáu thành viên từng có tiền lệ ở những khóa trước. Các nhà văn không hề lơ mơ, cảm tính mà họ rất nghiêm túc, trách nhiệm khi lựa chọn những đại diện tiêu biểu. Các nhà văn đòi hỏi người lãnh đạo Hội phải thật sự có năng lực giữ vai trò đầu tàu. Số lượng là quan trọng và cần thiết, nhưng chất lượng, hiệu quả làm việc của các thành viên BCH mới đóng vai trò quyết định.
PV: Nhưng với sáu ủy viên BCH, trong khi có tới hơn 1.000 hội viên trong cả nước, thì điều hành công việc theo tiêu chí "chất lượng, hiệu quả, chuyên nghiệp" cũng không hề dễ...
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đương nhiên. Nhưng một tập thể dù ít nhưng thật sự đoàn kết, nhất trí cùng nhau gánh vác thì có thể hóa ra nhiều. Mặt khác, điều lệ mới của Hội Nhà văn đã quy định về việc thành lập chi hội và các liên chi hội tại các tỉnh, thành phố, ngành, đơn vị trên địa bàn cả nước. Với tổ chức liên chi hội thì người Chi hội trưởng thực chất là cánh tay nối dài của BCH. Nhiều thành viên BCH khóa trước đã là trưởng ban công tác khu vực. Lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Hội cũng không nhất thiết phải do ủy viên BCH đứng đầu. Chúng ta phải để hội viên tham gia các vị trí này, qua đó phát hiện, bồi dưỡng người tài, chuẩn bị nhân sự cho tương lai.
PV: Trong cơ cấu của BCH mới, ngoài số lượng bầu không đủ so với dự kiến, còn thiếu những yếu tố cơ cấu vùng miền, độ tuổi, giới tính... để đại diện cho giới cầm bút trong cả nước?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Tôi đồng ý, nhưng theo tôi, quan trọng hơn cả là cơ cấu nghề nghiệp, vì Hội chúng ta là hội nghề nghiệp. Chúng ta phải xây dựng các hội đồng chuyên môn mạnh để bù đắp những thiếu hụt ấy; trong hội đồng người tham gia sẽ là các nhà văn trẻ, người dân tộc, hài hòa về giới tính. Các hội đồng sẽ là cơ quan tác nghiệp chủ yếu, giúp BCH điều hành công việc.
PV: BCH Hội Nhà văn kỳ này, có cảm giác "cán bộ" hơi nhiều. Với sáu thành viên nhưng có tới ba phó chủ tịch, một chủ tịch, một trưởng ban kiểm tra... Phải chăng, để làm được việc, thì cần có nhiều chức danh?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Bầu BCH thực chất là bầu cơ quan lãnh đạo Hội, ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, nếu có thêm kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý thì càng tốt cho công việc chứ sao! Trong bốn chức danh thì chủ tịch là người phụ trách chung, ba phó chủ tịch là tư lệnh các lĩnh vực được phân công. Quan trọng là tập thể BCH phải làm việc đoàn kết, nhịp nhàng, trí tuệ, đưa ra được những chủ trương, giải pháp đúng đắn trong điều hành.
PV: Vì số lượng ủy viên BCH nhiệm kỳ này ít, theo Điều lệ Hội Nhà văn, cho phép BCH bổ sung ủy viên nhưng không quá một phần ba số thành viên BCH đương nhiệm. Thưa ông, BCH khóa IX dự kiến có bổ sung ủy viên không, bao nhiêu người và tiêu chuẩn như thế nào?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Việc bổ sung nhân sự BCH khóa này, tôi cũng học tập kinh nghiệm từ tục ngữ Thái, đó là hỏi lại lịch sử. Những nhiệm kỳ chấp hành trước đã từng bổ sung ủy viên BCH, tuy vậy, khi xử lý vấn đề tổ chức phải hết sức thận trọng, có thời gian cần thiết để xem xét, sao cho vừa bảo đảm sự phát triển, vừa bảo đảm nguồn cho các khóa chấp hành sau. Đây là đại sự, quyền tối cao là tập thể BCH bàn bạc, quyết định.
PV: Ưu tiên hàng đầu của BCH trong thời gian trước mắt là gì, thưa ông?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất là đẩy mạnh sáng tác. Để làm được điều đó, phải kiện toàn lại tổ chức, trước hết là các hội đồng chuyên môn. Nhân sự của hội đồng phải là các nhà văn tiêu biểu, tinh thông nghề nghiệp, vô tư khách quan, biết quý người tài, đặc biệt là có tinh thần đổi mới và rộng mở, làm cho Hội trở nên sinh động, hấp dẫn, thu hút, tập hợp các hội viên đến với Hội. Đến Hội thì có chuyện mà bàn, có việc mà nói, có chỗ để đàm đạo, hội nghề nghiệp phải như thế chứ! Ngoài ra, kiện toàn cơ quan cấp hai của hội (Báo Văn nghệ, NXB, các tạp chí...) cũng phải làm ngay trong dịp này.
PV: Tại phiên bế mạc và ra mắt BCH khóa mới đã không có thủ tục chia tay các ủy viên BCH khóa cũ, điều này đã dẫn đến thắc mắc trong dư luận và các nhà văn, thậm chí khiến một số ủy viên BCH cũ tâm tư, suy nghĩ về "nhân tình thế thái"... Ông đánh giá thế nào về sự việc đó?
Nhà thơ Hữu Thỉnh: Chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc này. Trước ngày bế mạc, BTC đã chuẩn bị hoa, quà tặng các ủy viên BCH khóa trước không tái cử; đã có phân công cụ thể, nhưng đến lúc cuối, do sơ suất kỹ thuật nên không thực hiện được. Tâm trạng chung của các thành viên BCH mới trong phiên họp đầu tiên là quyến luyến, có chút hẫng hụt khi thấy những người bạn năm năm làm việc cùng nhau nay lại vắng mặt... Chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Và buổi lễ bàn giao chính thức giữa BCH cũ và BCH mới tổ chức trong một ngày gần đây, chúng tôi sẽ làm thật chu đáo, trọng thể. Tôi hy vọng, nhiều thành viên BCH cũ sẽ tiếp tục tham gia lãnh đạo các hội đồng chuyên môn và cơ quan cấp hai của Hội nhiệm kỳ tới.
PV: Xin cảm ơn ông!
HỮU VIỆT (Thực hiện)
Nhân dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét