Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tập bắn đạn thật ở Hong Kong
Tại Đông Á sự căng thẳng về chính trị và quân sự ngày càng gia tăng.
Những hoạt động kiến trúc đảo nhân tạo ở Trường Sa, cách cư xử hung hăng của Trung Cộng, cùng với những căng thẳng trong năm 2014 trên Biển Hoa Đông qua việc thiết lập vùng nhận diện phòng không do Trung Cộng đã đưa đến sự quan ngại của một số quốc gia trong vùng và cả Hoa Kỳ.
Sự phát triển ồ ạt của quân đội Trung Cộng từ đầu thập niên 2010, đặc biệt là của lực lượng hải quân, khiến các quốc gia ở Đông Á đang ráo riết tăng cường lực lượng vũ trang của mình.
Các quốc gia ở Đông Á có những quan tâm gì đối với những phát triển trên Biển Đông?
Họ có những biện pháp gì để chuẩn bị cho những diễn biến tương lai? Và Việt Nam có thể lợi dụng tình thế này bằng cách nào để hữu ích cho việc bảo vệ giang sơn?
Đầu tiên là những tiến triển quân sự ở Đông Bắc Á:
Đài Loan
Quân lực Đài Loan diễu binh đánh dấu 70 năm Thế Chiến 2
Theo bản báo cáo năm 2014 của bộ quốc phòng Mỹ, Trung Cộng tập trung khoảng phân nửa các đơn vị chiến đấu cấp sư đoàn của lục quân tại ba quân khu nằm ở eo biển Đài Loan. Khoảng phân nửa số máy bay ném bom của không quân Trung Cộng đóng ở các căn cứ gần Đài Loan.
Và 60 trong số 81 chiến hạm lớn, kèm theo hơn phân nửa lực lượng tàu ngầm, là thuộc về hai hạm đội Đông Hải và Nam Hải. Hai hạm đội này sẽ là gọng kìm để bóp nghẹt Đài Loan trong trường hợp xung đột vũ trang. Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Cộng đang nỗ lực chế tạo một loại hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm với đầu đạn nguyên tử.
Loại hỏa tiễn Dong Feng 21D (DF-21D) có khả năng tấn công các đội chiến hạm như những đội tác chiến hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ trong một cự ly hơn 1500 km, và như thế Trung Cộng sẽ nắm trong tay một vũ khí lợi hại để ngăn chặn sự can thiệp của hải quân Hoa Kỳ.
Theo nhận xét của Bộ Quốc phòng Đài Loan, sức lực càng tăng của Trung Cộng sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Hoa Kỳ để yểm trợ cho Đài Loan trong trường hợp Bắc Kinh tung ra một cuộc tấn công đảo này. Theo tiên đoán của Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ năm 2020 Trung Cộng có thể sẽ đầy đủ sức lực để tấn chiếm Đài Loan.
Vì thế quốc gia này hiện đang dồn nỗ lực vào việc cải tổ quân đội, tân trang hải quân và không quân. Chương trình quan trọng nhất là việc tân tiến hóa 145 chiếc F-16 A/B mua của Hoa Kỳ trong thập niên 1990.
Trên Biển Đông Đài Loan cũng giữ vài hòn đảo ở Trường Sa và cũng đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo này.
Đầu tháng 7/2015 nhân ngày kỷ niệm Quân đội Quốc Dân Đảng thắng quân đội Nhật Hoàng, tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã nhấn mạnh chủ quyền của nước này trên đảo Itu Aba (đảo Ba Bình), một trong những đảo lớn nhất tại Trường Sa, cùng một số đảo khác do Đài Loan chiếm giữ.
Trên đảo Ba Bình Đài Loan đã xây một phi đạo cùng với một bệnh viện và một số cơ sở khác. Nhưng ngoài tuyên bố đó, vai trò của Đài Loan trong những tranh chấp trong thời gian qua tương đối là bị động.
Nhật Bản
Hoa Kỳ đang hiện diện mạnh trong vùng: Tập trận Mỹ - Hàn năm 2014
Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa phát triển lại như trước cuộc khủng hoảng nhưng Nhật đã tuyên bố là sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng, ưu tiên cho trang bị của binh chủng không quân và hải quân.
Chính phủ của ông Shinzo Abe đang thực hiện chương trình nhằm nâng cao khả năng chiến đấu di động của quân đội, đồng thời chuyển trọng lực của lục quân về miền Tây Nam Nhật và phát triển lực lượng đổ bộ.
Mặc dù được tái lập dưới nhiều giới hạn sau Thế chiến thứ hai nhưng quân đội Nhật hiện nay được xếp vào hạng tám trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới.
Là đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Châu Á, Nhật luôn luôn được ưu đãi trong việc mua vũ khí. Hiện nay quân đội Nhật có thể được xem là quân lực hiện đại nhất ở Đông Á.
Tổng cộng hải quân Nhật hiện nay bao gồm 32 khu trục hạm, 13 hộ tống hạm và 18 tàu ngầm. Trong số đó hai khu trục hạm hạng Atago có trang bị hỏa tiễn Standard Missile SM3 có khả năng tiêu diệt hỏa tiễn đạn đạo.
Sĩ quan Hải quân Nhật và tàu Izumo có khả năng chuyên chở máy bay dù không phải là 'hàng không mẫu hạm'
Ngoài hải quân Mỹ hiện tại chỉ có hải quân Nhật được trang bị với loại hỏa tiễn này. Qua bài học kinh nghiệm từ Thế chiến 2, Nhật không được dùng hàng không mẫu hạm, nhưng hải quân Nhật đã đóng ba chiến hạm lớn có sân bay cỡ những hàng không mẫu hạm hạng Invincible của Anh Quốc, mang đủ tính năng của hàng không mẫu hạm. Sang 2016 có lẽ họ sẽ thêm chiếc thứ tư.
Nhật Bản cũng có một lực lượng không quân lớn với 552 chiến đấu cơ tối tân thế hệ thứ tư như F-15 và chiếc F-2, một khu trục cơ phản lực tự chế theo mẫu của chiếc F-16 của Hoa Kỳ, cùng với một số đáng kể về máy bay và trực thăng săn tàu ngầm.
Nhật cũng sẽ được cung cấp 17 chiếc máy bay vận tải lên thẳng V-22 Osprey với giá trị là 3 tỉ USD để trang bị cho những tàu sân bay và trong tương lai sẽ nhận 42 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới nhất của Hoa Kỳ.
Việc duy trì giao thông tự do trên Biển Đông là một vấn đề sống còn đối với Nhật Bản. Tất cả nguyên liệu cung cấp cho Nhật từ Trung Đông cũng như toàn bộ hàng hóa trao đổi giữa Nhật và Âu châu đều đi qua vùng biển này. Mưu đồ bành trướng của Trung Cộng trên vùng biển này qua chuổi căn cứ quân sự đang được thiết lập ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tạo nên một rủi ro lớn cho nền kinh tế của Nhật và Đại Hàn.
Trong một phản ứng của Nhật, theo thông tin của công ty IHS Jane’s đầu tháng Hai 2015, bộ trưởng quốc phòng Nhật, tướng Nakatani, đã cho biết ông có thể hình dung là hải quân Nhật sẽ thực hiện những chuyến đi tuần trên Biển Đông.
Ý định để hải quân đi tuần trên Biển Đông sẽ là một sự khiêu khích đối với Trung Cộng. Cùng lúc, theo một phát biểu vào cuối tháng Giêng 2015 của đô đốc hải quân Mỹ Robert Thomas, tư lệnh Hạm đội Bảy đóng tại Yokosuka, việc đó lại sẽ được sự tán thành của Hoa Kỳ.
Chính phủ Obama hiện đang lo âu là Trung Cộng uy hiếp các nước láng giềng trong vùng này. Theo ông Thomas, Nhật Bản có thể đóng một vai trò quan trọng để giữ ổn định trên Biển Đông.
Trung Cộng tăng cường xây cất ở Trường Sa
Nhưng đó chỉ là những hành động có tính cách tượng trưng. Xác suất để hải quân Nhật hoạt động thường xuyên trên Biển Đông không cao lắm vì những cản trở do hiến pháp, mặc dù chính phủ Nhật đã đưa một luật mới vào quốc hội nhằm tạo khả năng cho quân đội Nhật tham gia vào những hoạt động chiến đấu ở nước ngoài.
Sự hiện diện của hải quân Nhật trên Biển Đông cũng sẽ không có ích lợi gì cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên những quần đảo, nếu Việt Nam vẫn khư khư giữ cái lập trường "ba không“ vô lý.
Nhật không thể ngăn cản những hành động bành trướng của Trung Cộng trên những đảo. Thậm chí nếu có sự đụng độ vũ trang giữa Trung Cộng và Việt Nam , hải quân Nhật cũng không can thiệp được vì không có một căn bản pháp lý nào cả.
Hàn Quốc
Hàn Quốc là đồng minh quan trọng thứ nhì của Hoa Kỳ ở Á Đông. Nước Mỹ đã trả một giá khá cao bằng máu để giữ nền độc lập cho Nam Hàn và vẫn còn bảo đảm cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên với một lực lượng thường trực lớn ở Nam Hàn.
Mối quan tâm của Đại Hàn về Biển Đông cũng tương tự như Nhật Bản vì quốc gia này cũng lệ thuộc rất nhiều vào những tuyến giao thông trên Biển Đông. Nhưng khác với Nhật, Hàn Quốc cho đến nay không lên tiếng về vấn đề này.
Đó cũng vì quốc gia này liên tục bị xứ anh em phía Bắc đe dọa cho nên lúc nào cũng phải đề phòng trước những hành động bất chấp thủ đoạn của lãnh đạo Bắc Hàn.
Thêm nữa, thế lực duy nhất còn có một chút ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng là Bắc Kinh, cho nên Nam Hàn cần một quan hệ ít căng thẳng với Trung Cộng để kềm chế Bắc Hàn.
Ngoài việc bảo vệ những tuyến giao thông trên biển, Hàn Quốc còn có một số vấn đề liên quan đến việc tranh chấp lãnh thổ, như với Nhật Bản về quần đảo Dokdo (Nhật gọi là Takeshima) và với Trung Cộng về bãi đá ngầm Socotra Rock dưới biển Hoa Đông.
Hàn Quốc có quân đội đứng thứ 10 thế giới
Vì những lý do đó Hàn Quốc có một quân đội hùng mạnh hiện được xếp vào hạng mười trên thế giới. Nền kỹ nghệ cao cũng cho phép quốc gia này trang bị cho quân đội với những hệ thống vũ khí tinh vi như chiến hạm hoặc máy bay chiến đấu tự sản xuất.
Theo thống kê của viện nghiên cứu Anh IISS, hải quân Hàn Quốc hiện nay bao gồm 9 khu trục hạm, 13 hộ tống hạm và 23 tàu ngầm.
Trong đó 3 chiếc khu trục hạm hạng Sejong thuộc vào những chiến hạm mạnh nhất thời nay. Hàn Quốc hiện đang đóng bốn chiếc tàu chở quân đổ bộ có sân bay lớn cỡ chiếc Izumo của Nhật.
Trong tương lai hải quân Hàn Quốc sẽ được thêm năm tàu ngầm hạng U-214 của Đức và sẽ đóng thêm cho tới 24 chiếc hộ tống hạm mới.
Lực lượng không quân Nam Hàn cũng khá mạnh với 568 chiến đấu cơ phản lực, trong đó có 224 chiếc tối tân thuộc thế hệ thứ tư như chiếc F-15 K và F-16 C/D.
Quốc gia này tiếp tục duy trì mức độ kỹ thuật và khả năng chiến đấu cao của lực lượng không quân và đã đặt 40 chiếc máy bay tàng hình F-35 mới nhất của Hoa Kỳ.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Vĩnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét