Tiêm kích F/A18 Hornet của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đông
Trong thời gian gần đây, ta thấy chính quyền Mỹ thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên trên vấn đề Biển Đông, cả về lời lẽ, lẫn trong một số hành động cụ thể. Phải chăng chính sách Biển Đông của Mỹ đã thay đổi, đâu là những nguyên nhân ? Trên đây là một số vấn đề mà RFI đã nhờ Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về bang giao quốc tế tại Đại học George Mason, Virginia Hoa Kỳ, phân tích.
Nhận định chung của Giáo sư Hùng là chính quyền Mỹ, cả Quốc hội lẫn Hành pháp, đều đã « bị thức tỉnh » trước các hành vi hung hăng bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn quân sự mà Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông. Dấu hiệu rõ nhất phản ánh sự chuyển đổi thái độ của Hoa Kỳ là phát biểu hôm 21/07/2015 của ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, tức là người trực tiếp chịu trách nhiệm hồ sơ châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trước đông đảo học giả và chuyên gia nhân Hội nghị thường niên lần thứ 5 về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS, trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), ông Russel đã nhấn mạnh trở lại lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, đặc biệt làm rõ khái niệm « trung lập » thường được nêu lên.
Mỹ không trung lập, thậm chí còn tích cực can dự
Điểm được mọi giới quan sát ghi nhận là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ là Washington « không trung lập khi nói đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế » tại Biển Đông, thậm chí sẽ «hành động mạnh mẽ để buộc các bên tuân thủ luật lệ ». Trong bài phát biểu của mình, ông Russel có lúc đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc là nguyên do khiến tình hình Biển Đông căng thẳng :
« Gần đây, mức độ quan ngại trong khu vực đã leo thang khi quy mô và tốc độ của công việc cải tạo đảo đá của Trung Quốc được phơi bày công khai. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng Tư đã thẳng thắn khác thường, khi đề cập đến ‘mối quan ngại nghiêm trọng’ về công cuộc ‘cải tạo đất đang được tiến hành ở Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định…’ »
Trơ lý Ngoại trưởng Mỹ đã ghi nhận nghịch lý : « Tuyên bố của Trung Quốc ngày 16 tháng Sáu theo đó họ ‘sắp’ ngừng công việc cải tạo, đã được cho là nhằm mục tiêu trấn an, thế nhưng trong thực tế lại đáng báo động vì tiếp tục cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ xây dựng cơ sở quân sự trên những tiền đồn đã được cải tạo đó ».
Sau khi nhắc lại rằng Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình trong đó có việc bảo đảm quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, và nói chung là một trật tự quốc tế dựa trên sự tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình mà không dùng đến sự đe dọa hay vũ lực, ông Daniel Russel đã nói đến một số việc cụ thể mà Hoa Kỳ sẽ làm để các nguyên tắc nêu trên được tôn trọng.
Quyền tự do lưu thông cho chỉ cho riêng Mỹ
Ví dụ đầu tiên được ông đề cập đến là tích cực giúp các nước ven Biển Đông nâng cao năng lực giám sát vùng biển của mình. Điểm thứ hai, và đây cũng là thông điệp gởi đến Trung Quốc : Yêu cầu quân đội Mỹ thực hiện các « chiến dịch tự do hàng hải » để thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế về biển. Đối với ông Russel, mục tiêu của Washington không đơn thuần là bảo vệ quyền tự do lưu thông của riêng Mỹ, mà là của tất cả các nước :
« Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo sao cho không chỉ có Hải quân hoặc Không quân Mỹ có các quyền tự do lưu thông, mà sao cho tàu thuyền và máy bay của những nước nhỏ nhất cũng có thể bình yên thừa thưởng những quyền này mà không bị nguy hiểm ».
Theo ông Russel, theo luật quốc tế, tất cả các nước - không chỉ Hoa Kỳ - được hưởng các quyền lợi và các quyền tự do hàng hải, quyền sử dụng biển một cách hợp pháp, vốn được nền ngoại giao cũng như các chiến dịch tự do hàng hải của quân đội Mỹ góp phần bảo vệ.
Obama-Nguyễn Phú Trọng và Tầm nhìn chung Mỹ-Việt về Biển Đông
Trong thời gian qua, hầu như tất cả các quan chức ngoại giao cũng như quốc phòng Mỹ đều đã lên tiếng nhấn mạnh đến quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như tình hình ổn định trong vùng Biển Đông đang bị các tham vọng của lãnh thổ của Trung Quốc khuấy động. Ngay cả người đứng đầu nước Mỹ là Tổng thống Barack Obama cũng tiếp tục lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại của ông trước các diễn biến xấu tại vùng Biển Đông.
Nghênh tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngay tại Nhà Trắng, hôm 07/07/2015 chẳng hạn, Tổng thống Mỹ đã không quên xác định công khai trước giới báo chí rằng cả Mỹ lẫn Việt Nam đều mong muốn là tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết trên tinh thần phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng tự do hàng hải.
Tất cả những quan ngại của Hoa Kỳ và của Việt Nam về các hành vi của Trung Quốc đã được tóm tắt trong đoạn nói về Biển Đông trong bản Tầm nhìn chung Mỹ-Việt được hai bên thông qua và được Nhà Trắng công bố hôm 07/07/2015.
« Cả hai nước đều lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng, gây mất lòng tin, và có nguy cơ hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định. Hai bên nhận ra sự cấp thiết của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không bị cản trở, an ninh và an toàn hàng hải ; Không được có hành động gây căng thẳng ; đảm bảo sao cho mọi hành động và hoạt động được thực hiện theo luật pháp quốc tế ; chống các hành vi ép buộc, đe dọa, và dùng hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Cả hai quốc gia ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS), và công nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như những nỗ lực để đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. »
Hải quân Mỹ thực hiện quyền tự do lưu thông ở Biển Đông
Trong lúc các giới chính khách ngày càng có thông điệp mạnh mẽ hơn hướng về Trung Quốc, thì trên hiện trường Biển Đông, Hải quân Mỹ cũng có nhiều hành động quyết đoán hơn. Tiếp theo một chuyến bay tuần thám tại khu vực Trung Quốc đang cải tạo đảo đá ở Trường Sa, chở theo một ê kíp truyền hình, ngày 18/07/2015, đích thân Tư lệnh của Hạm đội Thái Bình Dương tham gia chuyến bay tuần tra kéo dài 7 tiếng đồng hồ trên Biển Đông trên một trong những máy bay do thám mới nhất của Mỹ, loại P8 A Poseidon. Mục tiêu khẳng định quyền tự do lưu thông trong vùng bất chấp sự đe dọa của Trung Quốc của các phi vụ nói trên quả rất rõ ràng.
Có thể nói không sai là chính sách Biển Đông của Mỹ đã có thay đổi do các hành động quá đáng của Trung Quốc. Như nói ở trên, trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu bật sự kiện là cả Quốc hội lẫn Hành pháp Mỹ như đã nhận thức được tính chất nghiêm trọng của các hành vi bồi đắp đảo đá, xây dựng tiền đồn quân sự mà Bắc Kinh đang làm tại Biển Đông.
Ngay trong công luận Mỹ, các tiếng nói nhân nhượng Trung Quốc cũng đã yếu hẳn đi. Sau đây là phần phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng dành cho RFI.
RFI: Giáo sư vừa đi dự Hội nghị Khoa học về Biển Đông do Trung tâm CSIS tại Washington tổ chức ngày 21/07/2015. Nhìn chung, giới nghiên cứu đánh giá sao về tình hình hiện nay ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Họ rất quan ngại về hành động xây cất quy mô của Trung Quốc, trong vòng một năm xây thêm 2000 mẫu đất, biến đá ngầm thành đảo nổi. Họ quan ngại về tuyên bố của Trung Quốc sẽ xây các cơ sở quân sự trên đảo mới. Họ cũng quan ngại về hành động đơn phương tạo sự đã rồi, thay đổi cán cân lực lượng tại Biển Đông.
Giáo sư là một trong những học giả ngoại quốc gần đây đã tham dự một hội nghị khoa học cũng có đề cập đến Biển Đông, nhưng tổ chức tại Bắc Kinh. Những vấn đề được nêu lên tại Bắc Kinh có gì đáng chú ý ?
Hội nghị ở Bắc Kinh có khác là bởi vì gồm rất nhiều vấn đề mà người ta thảo luận với nhau trong cái gọi là « cộng đồng học thuật của Trung Quốc », mà vấn đề Biển Đông chỉ là một panel thôi. Qua panel đó, và qua nói chuyện ngoài lề với các học giả Trung Quốc, thì tôi cảm thấy họ rất quan tâm đến sự can dự của Mỹ ở Biển Đông. Họ cho rằng Mỹ không công bằng, không vô tư giữa tranh chấp của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á khác. Họ cho rằng Mỹ đang vây chặn họ. Họ cũng quan ngại về sự tham dự tích cực của Nhật tại Biển Đông, quan ngại về chuyến đi Mỹ của ông Trọng (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ). Họ cũng thấy những hậu quả bất lợi của hành động của họ cho nên họ tìm cách đấu dịu, nhưng họ không từ bỏ chính sách xâm thực của họ.
Về chuyến đi Mỹ của ông Trọng, cụ thể họ nói gì ?
Họ không muốn nói. Họ chỉ hỏi tại sao ông Trọng đi Mỹ, Mỹ và Việt Nam sẽ có những hành động như thế nào… Qua đó mình biết là họ coi trọng vấn đề. Họ còn cho tôi biết những tuyên bố của ông Trọng, bởi vì trong thời gian tôi ở Trung Quốc, vào internet rất khó, thành ra có những tin tức gì, họ đều cho tôi biết.
Chuyến thăm Mỹ mới đây của ông Nguyễn Phú Trọng đã mang lại gì cho Việt Nam trên vấn đề Biển Đông ?
Đó là những tuyên bố của ông Trọng, nhất là nhận định rằng Hoa Kỳ là « địa bàn cực kỳ quan trọng » của hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Điều đó cho thấy là ít nhất các nhà lãnh đạo Việt Nam đồng ý với nhau về hiểm họa Trung Quốc và nhu cầu tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Về phía Hoa Kỳ, họ sẵn sàng giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự vệ. Việt Nam thường trách là khi Hoa Kỳ tuyên bố trung lập trong tranh chấp Biển Đông, điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ làm ngơ cho kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Bài diễn văn của Daniel Russel một phần nào gián tiếp đáp ứng quan tâm ấy.
Phải chăng trong thời gian gần đây, chính quyền Mỹ đã phần nào thay đổi chính sách Biển Đông, thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên ?
Điều đó cũng đúng. Sự thay đổi diễn ra từ từ thôi. Bây giờ, chính quyền Mỹ, cả Quốc Hội lẫn Hành Pháp, đã bị thức tỉnh vì hành động biến đá ngầm thành đảo nổi nhằm thay đổi cán cân lực lượng ở Biển Đông. Trong giới học giả, chuyên viên của các think tanks, tiếng nói của phe chủ hòa, nhân nhượng Trung Quốc đã yếu hẳn.
Trong cuộc diễn thử thảo luận của Hội đồng An ninh Quốc gia về một khủng hoảng giả tưởng ở Biển Đông (crisis simulation), vào cuối cuộc hội thảo ở CSIS, người ta thấy giới chuyên viên cao cấp của Mỹ không cho rằng những hành động vừa qua là do sáng kiến của một bộ phận quân đội, mà là được phối hợp từ chính quyền trung ương của Trung Quốc.
Họ khuyến cáo Mỹ cần hành động cẩn trọng khi đối phó với khủng hoảng, nhưng phải quyết tâm duy trì tự do hàng hải và uy tín của họ đối với các nước nhỏ ở Á Châu qua hành động, và thi hành cam kết bảo vệ các đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung với họ.
Đương nhiên về lời lẽ, Hoa Kỳ đã cứng rắn hẳn lên, nhưng trong hành động cụ thể, phải chăng cũng có những tín hiệu cứng rắn hướng về phía Trung Quốc ?
Từ trước đây, Mỹ cũng đã nói là họ quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cũng nói là sẽ giúp đỡ khả năng phòng thủ của các đồng minh và đối tác của họ. Thì chuyện đó đã được thực hiện rồi. Điểm đặc biệt mà tôi nhận thấy là trong bài diễn văn của ông Daniel Russel, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương tại CSIS, lần đầu tiên nhấn mạnh : Mỹ tuy giữ trung lập trong tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, nhưng Mỹ KHÔNG TRUNG LẬP – tôi nhấn mạnh « không trung lập » - trong việc tuân thủ luật quốc tế, Mỹ chống hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng.
Lời tuyên bố này ông Russel đưa ra khi nói – tôi có ghi lại – nhưng khi Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố toàn văn bài nói chuyện, thì lời tuyên bố quyết liệt này đã bị cắt đi. Ông Russel còn nói Mỹ cam kết bảo vệ tự do hàng hải không những chỉ cho mình, mà còn cho cả các nước khác. Bài diễn văn đó có rất nhiều đoạn chỉ trích Trung Quốc tuy không nêu rõ tên.
Trong hành động cụ thể của Mỹ ở Biển Đông, Giáo sư thấy điểm nào đáng chú ý nhất hiện nay ?
Thứ nhất là có những tuyên bố như trên. Thứ hai là có cuộc đi thám thính trên một máy bay rất tối tân của Mỹ, ở trên vùng Biển Đông, mà Trung Quốc không được biết. Trung Quốc rất quan ngại, mà Mỹ muốn chứng tỏ là họ bay như vậy để cho thấy là họ có quyền bay, có quyền tiếp tục bảo vệ tự do lưu thông trên không, tự do hàng hải…
Thì đó là hai động thái đặc biệt, vừa lời nói, vừa việc làm. Đồng thời hiện nay Mỹ đang có những hành động thắt chặt liên minh, với Nhật, với Phi Luật Tân (Philippines), và Phi Luật Tân đã mở Subic Bay ra rồi, cho quân đội của họ, nhưng cũng cho phép Mỹ sử dụng phương tiện đó, và họ sẽ dùng để tập trận chung, thao diễn Hải quân chung...
Trong lãnh vực thao diễn hải quân, Trung Quốc, trong những ngày gần đây, đã cho tập trận tại Biển Đông. Phải chăng đó là cách phô trương uy thế, không chỉ nhắm vào các nước Đông Nam Á mà còn nhắm vào cả Hoa Kỳ ?
Trung Quốc không chỉ tập trận ở Biển Đông. Họ còn tập trận ở Đông Á chung với Nga. Điều đó giản dị thôi. Trong chính trị thế giới, sự quân bình quyền lực là chuyện thường xẩy ra... Đây là một hành động bình thường của Trung Quốc thôi, không có gì phải làm lạ.
Cái đáng ngại mà người ta vẫn nói, là hoạt động quân sự càng nhiều bao nhiêu thì hiểm họa va chạm càng nhiều, mà va chạm càng nhiều –có khi cố tình, có khi vô ý, có khi lầm lẫn – thì có thể từ va chạm nhỏ dẫn đến những chuyện lớn hơn.
Đâu là những yếu tố chính thúc đẩy Mỹ tỏ thái độ cứng rắn như vậy ?
Về các yếu tố thì đã bắt nguồn từ lâu, nhưng đặc biệt gần đây, điều đã thức tỉnh giới chính trị Mỹ và giới học giả là dự án biến đá ngầm thành đảo nổi và nguy cơ biến đảo thành căn cứ quân sự có thể chế ngự cả một vùng biển trọng yếu. Ngoài ra cũng có khả năng Trung Quốc có thể tuyên bố vùng nhận diện phòng không (Air defense identification zone) cản trở lưu thông trên biển và trên không trung.
Cho nên những điểm đó - trước hết là « chuyện đã rồi » đã xẩy ra, làm thay đổi hẳn cán cân lực lượng, và thứ hai là chuyện có thể xẩy ra, như xây dựng căn cứ quân sự và vùng nhận diện phòng không đó - khiến cho Mỹ phải có thái độ rõ rệt, để những chuyện đó đừng xẩy ra nữa.
Trọng Nghĩa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét