Cấu tứ trong thơ (2)

 

Cái nghĩa thứ hai của chữ “cấu” là xây dựng, là quá trình hình thành. Quá trình hình thành một tứ thơ không giống với quá trình xây dựng một công trình kiến trúc. Khi xây dựng một công trình kiến trúc con người hoàn toàn chủ động tính toán thiết kế trước, rồi tiến hành thi công sau. Trong quá trình thi công cũng có thể điều chỉnh những điểm thiết kế chưa hợp lý. Và ít hay nhiều vẫn là một kiến tạo tập thể. Còn quá trình hình thành một tứ thơ lại gần giống với quá trình hình thành một thai nhi nhiều hơn. Anh ả cứ việc tự nhiên mà yêu nhau. Như thỏa mãn một nhu cầu của đời sống bản năng tình cảm thôi. Như thở hít hàng giây, hàng phút; như ăn uống hàng ngày, như ngủ nghỉ hàng đêm. Trong những lần họ yêu nhau ấy sẽ có lần “tế bào trai” của anh gặp “tế bào gái” của ả. Chúng kết hợp với nhau và hình thành ra một cái phôi. Cái phôi này là một tế bào kép có âm và có dương. Nó làm tổ trong bụng ả, rồi do vận hành âm dương mà cái phôi ban đầu sẽ phát triển dần thành thai nhi. Phải một thời gian sau thì anh ả mới nhận ra những triệu chứng “mang bầu”. Lúc đó thì tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà sẽ có một chế độ “dưỡng thai” riêng. Anh ả bắt đầu có ý thức chăm sóc cho cái thai nhi phát triển lành mạnh. Nhưng cũng chỉ là tạo ra những điều kiện cần thiết trong khả năng có thể của mình cho thai nhi phát triển chứ không can thiệp trực tiếp được. Cái thai tuy mang “gen” của bố mẹ nhưng nó phát triển theo những quy luật của tự nhiên, độc lập với ý thức và mong cầu của  cha mẹ. Phải đủ ngày đủ tháng, thai nhi mới hoàn thiện và cơn sinh nở mới diễn ra. Ả phải vật vã đau đớn, dứt ruột mình ra cho một sinh thể mới chào đời. Còn anh thì cũng phải chạy sơ tóc gáy để “lót tay”, “lót chân” cho các y bác sĩ mà có khi còn bị ả chửi cho như tát nước vào mặt. Bởi anh đích thị là tên tội đồ không thể chối cãi gây ra những cơn đau ghê gớm này.
Nhưng dù sao thì một đứa trẻ ra đời cũng là sản phẩm chung của một cặp lứa đôi. Còn nhà thơ khi làm thơ chỉ thấy có mỗi mình cặm cụi. Làm gì có chồng, làm gì có vợ ? Cố nhiên là không thể có người chồng, người vợ bằng xương bằng thịt được vì anh cũng có đẻ ra những đứa con bằng xương bằng thịt đâu? Anh chỉ đẻ ra những đứa con tinh thần nên anh cũng chỉ có thể có những người chồng và người vợ tinh thần mà thôi. Mỗi cá nhân con người đều có một đời sống riêng, một số phận riêng. Họ có rất nhiều những cái riêng tư của họ: tâm tư tình cảm riêng, niềm tin lẽ sống riêng, sở trường sở đoản riêng, vốn hiểu biết và những kỷ niệm cuộc đời riêng… Những cái riêng tư ấy quy định thói quen và góc nhìn của họ trước cuộc đời. Cuộc sống cá nhân ấy vừa đồng hành vừa nằm trong cuộc sống xã hội rộng lớn bên ngoài. Cái khối riêng và cái khối chung luôn luôn có sự tiếp cận và giao lưu với nhau, nếu xẩy ra sự gặp gỡ và đồng cảm đặc biệt, thì đó thường là cơ hội để nảy sinh những tứ thơ.

Tôi xin quay lại trường hợp những bài thơ nặng ký của Hoàng Cầm làm ví dụ. Hoàng Cầm vốn là một thi sĩ vừa đa tài vừa đa tình. Khi còn rất ít tuổi đã dính vào một mối tình trái khoáy: yêu đơn phương một người con gái lớn hơn mình nhiều tuổi. Trong hồi ký của mình Hoàng Cầm viết: “Chị ấy tên là Vinh. Bố mất sớm, nhà rất nghèo. Chị ở cùng mẹ và một đứa em lên năm tuổi. Họ cất một gian nhà ở phố để bán hàng kiếm ăn. Suốt từ năm 8 đến 12, 13 tuổi, lúc nào đi theo chị được là tôi đi ngay, không rời nửa bước. Cũng nhờ đi theo chị, tôi mới có những kỉ niệm để sau này trở thành Lá diêu bông. Trong một buổi tối thanh niên, trai gái ở làng tụ họp nhau để hát đối, chị vịn lấy vai tôi mà hát. Rồi chị bảo bọn trẻ chúng tôi: "Đứa nào tìm được lá diêu bông, ta sẽ gọi là chồng". Nghe thấy thế, mặt tôi đỏ lên. Rồi một hôm nắng vàng giời lạnh, buổi chiều tha thẩn ra sân, tôi thấy chị đi ra phía cánh đồng liền cũng đi theo. Giữa đồng, chị một mình mê mải vạch từng cái lá, cành cây như đang tìm một cái gì đó. Tôi liền hỏi: "Chị Vinh ơi, chị tìm cái gì đấy?". Chị nhìn tôi đáp lời: "Ờ, chị đi tìm cái lá... (chị nói tên một cái lá gì như là lá thuốc)".

Đó là một mối tình đơn phương, nhưng vì là mối tình đầu nên dấu ấn của nó để lại trong ký ức Hoàng Cầm rất sâu đậm. Trong bài “Cây Tam cúc” ta vẫn thấy cái tình yêu nồng nàn như đang còn tươi nguyên và nóng hôi hổi ấy:

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì. .. 
Nhưng rồi chỉ tới năm sau, chị đi lấy chồng:
Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi.
Đọc thơ ông, thấy lần nào nhắc đến mối tình ấy, câu thơ cũng  nức nở đến tội nghiệp và đều chứa đựng những ẩn ức sâu thăm thẳm. Sau đây xin đọc thêm bài “Quả vườn ổi” thì rõ hơn:
Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi...
ngày tháng lụi
tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
- Quả chín..
quá tầm tay
- Xin chị một quả ương
- Quả ương
chim khoét thủng
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng.
Hoa Quỳnh là một loài hoa kỳ diệu. Nhất là về sự trinh bạch và thơm tho của nó.  Cũng khá nhiều người viết về hoa quỳnh nhưng mỗi người lại tiếp cận ở một góc độ riêng. Tôi tìm thấy trong một tập thơ có tên là “Hương Quỳnh” của một CLB tặng tôi và tìm thấy một bài thơ tương đối “nuột” so với mặt bằng chung của thơ ở các CLB, một bài có tên là “Đêm hoa quỳnh”:
Đêm nay vằng vặc trăng soi
Bên hoa quỳnh nở làm tôi ngỡ ngàng
Hương thơm nâng giấc mơ màng
Nàng hoa hé nở khẽ khàng buông tơ
Gió thu lay động nhị hờ
Trắng trong cánh nõn quanh bờ mi cong
Hương hoa dịu mát nơi lòng
Hương em say đắm tình trong vô bờ
Dặt dìu anh thả hồn thơ
Gửi hồn trinh nữ trong mơ đêm dài

Hồn trinh mai sớm tàn phai
Hương em để lại nhớ hoài muôn sau.
                       Nguyễn Văn Khang
Xem hoa quỳnh nở mà nghĩ tới một nàng trinh nữ  đang khẽ khàng hé nở những “Trắng trong cánh nõn quanh bờ mi cong” ra ngay trước mắt thì cũng thật thú vị đấy chứ?  Đây cũng là một lối thưởng thức hoa quỳnh bạo và lạ. Cố nhiên là so với “xã hội hiện đại” thì cũng chưa thấm vào đâu. Tôi còn thấy người ta viết cả “Phật tâm kinh” trực tiếp lên da thịt người thiếu nữ lõa thể. Viết cả vào chỗ kín. Xin đừng vội truy chụp gì. Hãy điềm tĩnh mà suy ngẫm. Biết đâu đấy chẳng “tẩy não” cho mình thêm được chút nào chăng? Bởi vì rất có thể trong một trạng thái tâm lý đam mê cái đẹp, những nhục cảm sẽ không còn chỗ đứng?
Tôi xem hoa quỳnh thì chưa được bạo và lạ như Nguyễn Văn Khang. Tôi xem hoa quỳnh lại liên tưởng đến những con người mà nói như “Mác oeo” là loại “người nhân”, những người thầm lặng hy sinh cống hiến hết mình cho cuộc sống, cho con người. Hoa quỳnh xứng đáng ngang tầm với những người như thế:
Cần mẫn bao ngày chắt nhựa
Viền hoa lên mép lá xanh
Chờ đêm âm thầm lặng lẽ
Ngát hương hoa nở hết mình
                       Đỗ Đình Tuân
Thế là cùng một hình tượng hoa quỳnh mà mỗi người lại xây dựng lên những tứ thơ khác nhau. Chính những tứ thơ khác nhau này chúng mới chung sống hòa bình được với nhau và làm cho vườn thơ thành đa hương sắc. Ngược lại nếu các tứ thơ mà lại giống nhau hoặc na ná như nhau thì lập tức chúng sẽ loại trừ nhau để không còn gì cả. Làm thơ cứ phải tìm ra được tứ mới, tứ riêng độc đáo là vì lẽ ấy.

2/11/2011
Đỗ Đình Tuân
(Còn nữa)

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét