Chìa khóa ngôn ngữ (1)

 

Cũng là nhân đọc một bài của Thanh Dạ trên trang Blog Thanh Dạ , thấy có dẫn từ điển ra để giải thích về ý và tứ  mà Đỗ Đình Tuân nảy ra cái ý viết bài “Chìa khóa ngôn ngữ”. Cái này thì nó sẽ đi xa vấn đề ý và tứ một tý. Rất có thể nó lại dắt dây, dắt thừng sang những vấn đề khác. Nhưng kệ nó. Bây giờ chúng mình toàn là những kẻ “rỗi hơi” cả, không dùng cái “hơi rỗi” ấy để mà cãi nhau cho nó sướng cái miệng? Chẳng lẽ lúc nào cũng cứ rượu với thịt chó mãi thì cũng ngấy.
Đầu tiên cũng cứ phải quay lại cái gốc xuất phát là ý và tứ. Cả hai chữ này đều là từ gốc Hán. Nghĩa là ta vay mượn của Trung Quốc. Nhưng ta giữ cái âm cổ và việt hóa đi. Loại âm ấy bây giờ chúng ta gọi là âm Hán-Việt. Viết thế nhưng không thể hiểu nó là âm chung của người Hán và người Việt. Mà phải hiểu nó là âm của người việt đọc những chữ có nguồn gốc từ chữ Hán. Cả cái lớp từ Hán Việt này có những chữ ta dùng nghĩa gốc, nhưng không ít chữ ta đã chuyển nghĩa. Thậm chí còn chuyển khác hẳn cả nghĩa gốc đi. Chẳng hạn chữ “độc lập” nếu dùng theo nghĩa gốc Hán thì chỉ có nghĩa là đứng một mình. Nhưng ta đâu có hiểu thế mà vẫn thường hiểu là tự chủ, tự lập, tự quyết định lấy vận mệnh của mình…Chữ “phương phi” nghĩa gốc Hán chỉ có nghĩa là “thơm tho”, vậy mà sang ta nó lại chuyển hẳn nghĩa thành “béo tốt”…rất nhiều và rất nhiều… Riêng hai chữ “ý” và “tứ” thì ta vẫn dùng cái nghĩa gốc Hán. Chữ “Ý”(意) thì trên là chữ “âm”(音) (tiếng nói) và dưới là chữ “tâm” (心) (lòng người) như vậy thì nghĩa gốc Hán (nghĩa từ vựng) của chữ Ý là tiếng nói ngầm ở trong lòng người. Còn để chỉ tiếng nói đã nói ra lại là “ngôn”(言) (lời). Cũng vì thế mà “ý nghĩa” là chỉ cái phần nội dung bên trong. Chữ “tứ”(思) thì hơi rắc rối một chút vì cả về âm và tự dạng đều có phức tạp. Chữ này âm thường đọc là “tư” (không có dấu sắc). và có một khu vực ý nghĩa khá rộng bao gồm cả những sự nghĩ ngợi, lo lắng, nhớ nhung, tưởng tượng… Về tự dạng trước đây viết trên là chữ “tín” (信) chứ (không viết là chữ “điền” (田) như hiện nay) và dưới là chữ “tâm” (心) (lòng người), để có ý chỉ rằng những hoạt động của bộ óc và con tim là có sự liên thông và hòa hợp với nhau. Một âm khác mới đọc là “tứ” (có dấu sắc) nghĩa của chữ “tứ” này gần với nghĩa của chữ “ý”. Vì thế mà chúng ta hay nói “ý tứ”. Nhất là các cụ ngày xưa thường hay dùng “thi tứ” chỉ ý thơ, “văn tứ” chỉ ý văn. Nhưng những ý nghĩa ấy hoàn toàn không phải là “tứ thơ” với tư cách là một khái niệm học thuật trong khoa văn học, như tôi muốn trình bày trong bài “ý và tứ trong thơ”. Xin tạm dừng ở đây, chờ dịp khác rỗi hơi lại bàn tiếp…

31/10/2011
Đỗ Đình Tuân
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét