CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

CHUYỆN LÃO HÓI- 2


Mấy năm trong chiến trường, điều kiện thư từ liên lạc khó khăn nên ngoài tin hắn vào qk5 ra tôi cũng chẳng biết thêm tin tức gì về hắn nữa.
Thế rồi sau 30.4.75, khi lữ
đoàn xe tăng 203 đã rút ra Long Bình, vì cái tội viết chữ hơi bị đẹp nên tôi được lữ đoàn triệu lên giúp việc cho Phòng tham mưu tổng kết chiến dịch, chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết của lữ đoàn. Lên cơ quan lữ đoàn, vừa xa đơn vị lại phải ở với toàn các bác già nên tôi cũng buồn. Tuy nhiên, nhờ có đợt công tác này tôi đã hiểu biết rất sâu sắc về tình hình chung của mặt trận và các trận đánh của lữ đoàn 203 trong mùa Xuân 1975.
Một buổi chiều, sau khi xong việc tôi xách gầu ra chỗ bể nước công cộng tắm. Đang trần như nhộng xối nước ào ào thì thấy có tiếng gọi thất thanh: "Ng. Có phải Ng. đấy không?" từ phía bên kia hàng rào. Vuốt vội nước trên mặt nhìn sang, tôi sững người vì hắn đang đứng đó. Chúng tôi tay bắt mặt mừng hàn huyên. Thì ra, sau giải phóng Đà Nẵng, 1
tiểu đoàn của trung đoàn xe tăng 574/ quân khu 5 được tăng cường cho lữ đoàn 203 để cùng với tiểu đoàn 4 làm phân đội phái đi trước cho quân đoàn 2. Đó chính là tiểu đoàn của hắn, bây giờ là tiểu đoàn 5 của 203. Chính tiểu đoàn này đã tham gia đánh Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân và có xe 707 hy sinh ngay trước cổng Trường võ bị Thủ Đức. Tuy nhiên, do là lính thông tin nên hắn không suy suyển gì cả.
Tối hôm ấy và mấy tối sau tôi xin phép sang bên d5 ngủ chung với
hắn. Hai thằng nói với nhau bao nhiêu chuyện từ khi xa nhau và chốt lại vấn đề là "hòa bình rồi, bây giờ sẽ như thế nào đây?". Với hắn, hắn biết chắc rằng đã đỗ ĐH nên chỉ có một nguyện vọng là nhanh chóng ra ngay để kịp vào năm học mới. Sang ngủ với hắn, gặp gỡ anh em bên ấy đâm ra tôi biết, trí nhớ và cái tài kể chuyện của hắn đã phát huy tác dụng rất tốt trong những đêm khuya lạnh lẽo ở chiến trường. Họ quý mến hắn lắm và coi hắn như một báu vật. Tôi cũng thấy tự hào lây về bạn của mình.
Cầu được ước thấy,
hắn được ra quân ngay đợt đầu sau chiến thắng (cuối tháng 6.75). Hai thằng chia tay nhau gấp gáp. Đối với hắn, bây giờ điều quan trọng nhất là làm thế nào đi ra cho nhanh nhất để kịp làm thủ tục nhập học năm học 75-76 (Lúc ấy, việc đi lại giữa hai miền vẫn cực kỳ khó khăn, phải đi theo các trạm quân vận có khi mất hàng gần tháng). Nhưng rồi, mọi sự trót lọt và đúng như nguyện vọng, hắn đã được vào ĐH Bách khoa HN học ngay từ năm học ấy.
Sau đó tôi cũng ra Bắc nhưng là đi học sỹ quan. Một thằng học ĐH tại HN, một thằng học SQ ở Vĩnh Phú nên chúng tôi cũng ít cơ hội gặp nhau. Mãi đến 1983 tôi với hắn mới lại gặp nhau ở quê. Lúc này, hắn đã là một kỹ sư và được phân về công tác tại NM cơ khí Mạo Khê, Quảng Ninh. Hắn phàn nàn, tưởng giời bể gì chứ về nhà máy có việc đâu, toàn chơi thôi.
Hồi đó, nhà tôi ở trên một sườn đồi phía sau trường cấp 3 CL (nơi bọn tôi lên khai thác đá để xây dựng lên ngôi nhà 2 tầng đầu tiên của TC3 CL), nước ở đây rất hiếm. Cái giếng nhà tôi sâu đến 15 mét mà mùa khô vẫn cạn kiệt, còn mùa nào kéo nước lên cũng vất vả. Tôi nửa đùa, nửa thật bảo hắn: "Mày đang rỗi, nghiên cứu làm cho tao cái ròng rọc kéo nước". Hắn gật đầu. Bẵng đi mấy tháng sau, khi tôi đã quên cả chuyện ấy thì một hôm, mở cửa vào nhà tôi thấy một cái ròng rọc được vứt qua cửa sổ nằm còng queo ở đó. Thì ra hắn vẫn nhớ lời hứa của mình. Sau này gặp nhau, hắn bảo: "Đấy là sản phẩm đầu tay của một kỹ sư cơ khí Việt Nam". Nói cho công bằng, cái ròng rọc ấy thua xa cái ròng rọc mà lão Bộ (thợ hàn ở Sao Đỏ làm cho tôi). Nhưng dầu sao vẫn rất quý giá bởi đó là kết tinh tình cảm bạn dành cho mình.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét