“Chúng ta chấp nhận nhau là chúng ta đã giải thoát chính mình,” cựu Tổng Thống Bill Clinton nhận định như vậy trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ mừng Độc Lập Hoa Kỳ ở Hà Nội và cũng nhân dịp 20 năm bình thường hóa bang giao Mỹ – Việt.
Tổng Thống Bill Clinton quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam năm 1994, bình thường hóa quan hệ ngoại giao ngày 11 tháng 7 năm 1995, và là nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến tranh vào năm 2000. Lần này là lần thứ năm ông trở lại Việt Nam, hầu hết cho hoạt động của tổ chức Clinton Foundation chống HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét.
Buổi tiếp tân do tòa đại sứ Hoa Kỳ tổ chức tối Thứ Năm tại Hà Nội có hơn 1,000 quan khách tham dự và giới chức cao cấp nhất bên phía Việt Nam là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh. Đại sứ Ted Osius và các cựu đại sứ Pete Peterson, Michael Michalak, đại biện Desaix Anderson, cùng ngoại giao đoàn các nước hiện diện trong buổi lễ.
Cựu Tổng Thống Clinton hồi tưởng lại tiến trình tái lập quan hệ bình thường giữa hai nước trải qua vô vàn trở lực, từ tâm lý ám ảnh bởi dĩ vãng ở cả hai phía, cho đến những nghi kỵ và những vấn đề khó khăn phức tạp còn tồn tại. Ông nói: “Bình thường hóa bang giao đối với tôi, về mặt cá nhân, chính trị và giá trị địa lý chiến lược là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình. Nó giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quan hệ hữu nghị và chứng tỏ cho thế giới ngày càng phân hóa rằng hợp tác vẫn là tốt đẹp hơn xung đột rất nhiều.”
Ông Bill Clinton vẫn nổi tiếng là người có tài nói năng khéo léo, không quên khen ngợi đại sứ Ted Osius. Ông nói: “Ông phó thủ tướng (Phạm Bình Minh) nói với tôi rằng đại sứ nói tiếng Việt rất giỏi khi giới thiệu tôi cho quan khách.” Cựu Tổng Thống cũng ca ngợi cựu đại sứ Pete Peterson là một biểu tượng để ông hành động đúng: “Quý vị đều biết đấy, ông ta đã hơn 6 năm là khách của chính quyền Việt Nam trong thời chiến tranh. Về Mỹ ông ứng cử thành Dân Biểu quốc hội, và trở thành đại sứ đầu tiên của chúng tôi ở Việt Nam. Tôi tin rằng bổ nhiệm ông là một trong những sự chỉ định tốt nhất mà tôi đã làm được. Rồi ông ta lập gia đình và qua sống ở Australia, mỗi tháng vẫn về thăm Việt Nam.” Pete Peterson là phi công máy bay chiến đấu F-4 Phantom, bị bắn rớt ở Bắc Việt tháng 10 năm 1966 và được phóng thích trong cuộc trao trả tù binh tháng 3 năm 1973. Bà vợ ông lấy năm 2002 khi đang làm đại sứ ở Hà Nội là một phụ nữ Úc gốc Việt, viên chức mậu dịch cao cấp của Australia.
Trong bài nói chuyện tại Hà Nội hôm Thứ Năm, ông Clinton ca ngợi 4 Thượng Nghị Sĩ Charles Robb, Max Cleland, John Kerry, John McCain – tất cả đều là cựu chiến binh Việt Nam – trong số rất nhiều người đã góp phần vào tiến trình bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt, mà ông chỉ là người quyết định sau cùng.
Đầu năm 1977, ngay khi trở thành Tổng Thống, Jimmy Carter đã chú trọng đến việc này.
Tháng Ba năm ấy ông cử một phái đoàn đến Hà Nội, tuy nhiên hãy còn quá sớm để có thể đi tới một thỏa hiệp gì. Dù sao, tới tháng Năm, Hoa Kỳ đồng ý để Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc.
Tiếp đó, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về tái lập quan hệ ngoại giao diễn ra tại Paris, cầm đầu phái đoàn Mỹ là thứ trưởng ngoại giao đặc trách Đông Á – Thái Bình Dương, Richard Holbrooke, và phái đoàn Việt Nam là thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền. Lúc đó Hoa Kỳ đề ra lộ trình ba bước, trong đó trước hết là được cung cấp thông tin về quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và trao trả hài cốt những người đã chết. Phía Việt Nam đặt điều kiện bồi thường chiến tranh như thỏa thuận ở hòa đàm Paris.
Cuộc đàm phán ở Paris và những trao đổi giữa hai bên kéo dài không kết quả suốt thập niên 1990. Vấn đề bồi thường chiến tranh là vô nghĩa khi phía Việt Nam không tôn trọng hiệp định Paris năm 1973, và trong một thời gian rất lâu Hoa Kỳ vẫn nghi ngờ còn một số quân nhân Mỹ sống sót bị Việt Nam giam giữ ở nơi bí mật.
Năm 1990, thời Tổng Thống George H.W. Bush, bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lần đầu tiên đến Hoa Kỳ theo lời mời của ngoại trưởng James Baker và chuyến thăm này được coi là đã tạo ra một vài bước định hướng cho việc thương thuyết. Ông Thạch nhìn nhận rằng điều kiện về bồi thường chiến tranh là giải pháp không khả thi nên từ bỏ, không đặt vấn đề này nữa. Trọng tâm của Việt Nam ở thời điểm ấy là Hoa Kỳ giải tỏa lệnh cấm vận.
Một người góp phần thêm cho nỗ lực của Việt Nam và mở lối cho Hoa Kỳ là Thượng Nghị Sĩ John McCain, cựu tù binh chiến tranh nổi tiếng.
Cuối năm 1991, một bước tiến quan trọng đạt được khi phái đoàn Việt Nam do thứ trưởng ngoại giao Lê Mai cầm đầu tới New York và hai bên đồng ý thành lập nhóm chuyên viên giải quyết các bế tắc trong tiến tình đi đến bình thường hóa. Chương trình POW/MIA tìm kiếm hài cốt và lính Mỹ mất tích được thành hình sau đó.
Tháng Tư, 1992, Tổng Thống George H.W. Bush ký sắc lệnh nới lỏng cấm vận, cho phép các công ty Mỹ mở văn phòng đại diện ở Việt Nam và cho phép bán một số dược phẩm và nhu yếu phẩm.
Chiều hướng bãi bỏ cấm vận ngày càng được đẩy mạnh ở Hoa Kỳ, mặc dầu cũng có những chống đối mạnh mẽ từ một số tổ chức trong cộng đồng người Việt tị nạn. Thượng Nghị Sĩ John Kerry, cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, thuộc trong số những người tích cực vận động cho bước tiến này. Ông đã từng đề cao thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có đóng góp đặc biệt vào chương trình tìm kiếm tù binh và người mất tích trong nỗ lực tiến tới bình thường hóa bang giao.
Năm 1994, dự luật đề nghị gỡ bỏ cấm vận Việt Nam do hai Thượng Nghị Sĩ John Kerry và John McCain bảo trợ được Thượng Viện thông qua. Trước đó, Tổng Thống Bill Clinton đã tuyên bố Hoa Kỳ không phản đối việc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) tài trợ cho Việt Nam và khẳng định sẽ nới lỏng thêm lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Sau khi dự luật Kerry – McCain thông qua Thượng Viện, Tổng Thống Bill Clinton chính thức chấm dứt cấm vận Việt Nam và cho mở văn phòng liên lạc ngoại giao giữa hai nước – đại diện ngoại giao Desaix Anderson là viên chức Mỹ đầu tiên làm việc tại Hà Nội cho tới tháng 11 năm 1995 mở tòa đại sứ.
Cựu Tổng Thống Bill Clinton trong bài nói chuyện ở Hà Nội tất nhiên muốn đề cao những thành quả của 20 năm bình thường hóa quan hệ trên nhiều bình diện kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục và chiến lược.
Theo lời ông, quốc gia 20 năm trước chỉ có thu nhập mỗi người 1 dollar một ngày, bây giờ đang phát triển kinh tế vượt bực và dành 20% ngân sách cho giáo dục, tỷ lệ cao hàng thứ 12 trên thế giới. Hiện nay có 17,000 du học sinh Việt Nam ở các trường đại học Mỹ, con số cao hơn hai nước láng giềng Hoa Kỳ là Canada và Mexico.
20 năm trước quan hệ mậu dịch với Hoa Kỳ chỉ $500 triệu. Ngày nay Việt Nam vượt Thái Lan và Malaysia trở thành nước ASEAN đứng đầu về hàng hóa xuất cảng qua Hoa Kỳ, mỗi ngày 1,700 containers. Ông hy vọng sẽ còn thêm nhiều thành tựu khác nếu các cuộc thương lượng về thỏa hiệp mậu dịch TPP của Tổng Thống Obama có đủ sự ủng hộ lưỡng đảng, và nếu các tiêu chuẩn trong sáng, nhân quyền, quyền lao động, môi trường được giải quyết thỏa đáng.
Ông Clinton cho biết chương trình giáo dục kinh tế Fulbright sẽ được đưa vào Fulbright University of Vietnam, trường đại học tư nhân, bất vụ lợi đầu tiên ở Việt Nam. Theo lời ông, phó thủ tướng Phạm Bình Minh là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam thụ hưởng chương trình này, lấy bằng Master's degree về luật quốc tế và ngoại giao tại Tufts University.
Nói đến Fulbright, cựu Tổng Thống Clinton cho rằng nhiều người không biết hay còn nhớ Thượng Nghị Sĩ Fulbright từng là nhân vật mạnh mẽ phê phán cuộc chiến tranh Việt Nam.
Dẫn lời ông: “Có thể làm cho xã hội chúng ta là mẫu mực cho hạnh phúc con người, chúng ta là bạn của những chuyển biến xã hội và có đủ khoan nhượng để hòa giải với thế giới đối nghịch bên ngoài. Điều ấy do từ quyết định mở rộng vòng tay hay xiết chặt nắm đấm.” Ông Clinton kết luận rằng chân lý ấy đúng vào thời đại của Fulbright, đúng cho thời đại của chúng ta, và “20 năm là lúc để chúng ta nhìn lại mình đã đi xa quá khứ để tiến lên thế nào và tới đâu.”
Tới Hà Nội trong dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa bang giao, dù cố ý hay tình cờ, cựu Tổng Thống Bill Clinton đã nêu bật lên ý nghĩa của một động thái tương đồng mà chính quyền Tổng Thống Obama đang tiến hành ở Cuba. Giá trị chiến lược của hai hành động cách nhau 20 năm này sẽ được chứng tỏ và hỗ trợ cho nhau trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét