ĐỂ TA ĐI CẤY ĐI CÀY NUÔI... THƠ

Mình vừa viết mấy bài liên quan đến thơ, trong đó có một cái tham luận về thơ Tân hình thức cho Tạp chí Sông Hương, dù mình... chả biết gì về tân hình thức cả, huhu...

Chưa post thì ngồi đọc cái này của em Hiền Nguyễn. Em này mình chưa gặp bao giờ, nhưng đọc thì không ít, thấy viết về phong trào văn chương khá băm bổ. Ví dụ như bài này, vừa đọc vừa cười, xong lại thấy... không cười được.
--------

Văn nghệ quần chúng không có chỗ?

(Toquoc)- Làm thơ, dù hay hay chưa hay thì vẫn là một hoạt động lành mạnh, niềm vui của nhiều người, nhưng lâu nay thực sự chưa có đơn vị nào đứng ra định hướng và tổ chức hiệu quả, thiết thực. Liệu vai trò này có thể giao cho các đơn vị có chuyên môn về văn chương?

Làng văn Việt Nam gần đây xôn xao hiện tượng “bi hài kịch” về tên tuổi vị “Chủ tịch CLB sáng tác VHNT” Đăng Hạ có đến 4500 hội viên khắp cả nước. Sự vào cuộc tích cực của báo chí đã chỉ ra một cách rõ ràng những tổn thất về vật chất cũng như tinh thần. Còn về mặt nghệ thuật thì không đáng để nhắc tới, bởi chẳng ai thừa nhận và là thứ “xa xỉ” trong cái nồi thập cẩm bát nháo đó. Nhưng từ sự việc này cho thấy điều gì?

Phần lớn hội viên của CLB đều là những người tuổi đã cao, hưu trí nhàn rỗi, nông dân chân lấm tay bùn… nên việc tiếp cận thông tin để kiểm chứng còn rất hạn chế. Chỉ cần những lời bóng bẩy tự tôn cùng với quy chế hoạt động, con dấu đỏ chót và cơ man những tập thơ được in trên giấy trắng mực đen sờ sờ, có cả tên Nhà xuất bản hẳn hoi thì ai mà không tin? Chỉ có điều tưởng chừng rất đơn giản trong thế giới phẳng, khi xác minh toàn bộ điều đó là thật hay giả thì “các cụ”… bỏ qua! Để rồi bị lừa bịp mà không biết, vui vẻ, tình nguyện làm miếng mồi béo bở cho kẻ có sẵn lòng tham.

Nhìn vào số lượng hội viên khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn, một lần nữa có thêm căn cứ xác thực về nhu cầu “làm thơ” và “đọc thơ” của quần chúng nhân dân là rất lớn. Trong một lần tìm hiểu về công việc xuất bản một năm tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhà thơ Trần Quang Quý - Phó giám đốc đã cho biết số đầu sách ở dạng thơ câu lạc bộ luôn chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn so với thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu Nhà xuất bản Hội Nhà văn không cấp phép thì có thể một nhà xuất bản khác sẽ cấp phép, nếu tập thơ đó không vi phạm chính trị, thuần phong mĩ tục, đạo văn. Và mục đích ra đời của tập thơ là làm kỷ niệm, tặng và răn dạy con cháu. Nhưng việc in thơ và được phong hay tự nhận nhà thơ là hoàn toàn khác nhau, nếu không nói là đi quá xa giới hạn cho phép.
Khi nhu cầu làm thơ lớn, lại được cộng hưởng, được cổ vũ thì sẽ nhân lên gấp bội. Mà đã làm thơ thì không thể không… đọc thơ. Ngôi làng Chùa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nổi tiếng với phong trào thơ ca. Nhưng họ làm thơ và đọc cho nhau nghe. Còn ở các nơi khác thì sao, làm ra thơ mà không có chỗ để đọc thì dễ trở thành cơ hội chuộc lợi của kẻ xấu. Đấy chính là lý do để những nhà “kinh doanh thơ” nhảy vào.



CLB thơ Truyền Đăng, Quảng Ninh (ảnh http://baoquangninh.com.vn)


Mới đây tại hội thảo “Tổ Quốc với ý nguyện nông dân” do báo điện tử Tổ Quốc tổ chức từng băn khoăn đặt ra một loạt câu hỏi với nhà thơ Trần Ninh Hồ: Rằng, nếu coi thơ ca là một phần đời sống tinh thần của những người nông dân chân lấm tay bùn, với ngôn ngữ giản dị, chân thành, dễ hiểu, dễ đọc, dễ nhớ gắn lao động sản xuất, tâm tư nguyện vọng, truyền dạy con cháu… Với những đặc điểm này có thể thấy khác so với thơ ca nghệ thuật của đội ngũ nhà thơ, đôi khi trừu tượng, khó hiểu… Vậy ai làm thơ cho người nông dân đọc và các nhà thơ có bao giờ nghĩ đến đối tượng độc giả là người nông dân không?

Cùng băn khoăn điều này, giáo sư Phong Lê từng trăn trở, nông dân Việt Nam chiếm trên dưới 70% dân số và họ đọc sách gì?

Đồng ý với quan điểm của nhà thơ Trần Ninh Hồ rằng, khi sáng tác không ai nghĩ độc giả của mình sẽ là nông dân hay công nhân, trí thức, già hay trẻ. Cũng như khi đọc sách không ai phủ nhận tất cả đối tượng này không hiểu được. Nhưng thành thật mà nói, có những bài thơ của những nhà thơ tên tuổi nhiều người thường xuyên tiếp xúc với sách báo mà đọc còn khó hiểu, khó cảm thì liệu người nông dân, người cao tuổi đã quen với sự giản đơn, lối tư duy cũ sẽ thế nào? Liệu có tồn tại sự “lệch pha” giữa nhu cầu thơ ca hay không? Sự “lệch pha” này liệu có dẫn đến hệ quả: anh thích làm thơ thế nào cứ làm, tôi thích làm thơ, đọc thơ thế nào cứ làm thế ấy.
Cuộc sống của người nông dân có đặc trưng tự cung tự cấp thì giờ đây đời sống tinh thần cũng đang hướng đến mô hình tự cung tự cấp.

Có thể thấy rằng, đời sống tinh thần trong một bộ phận, ở đây cụ thể là người già, hưu trí và nông dân còn quá nghèo nàn và chưa có sự quan tâm đúng của cộng đồng.
Viết đến đây chắc chắn sẽ có người cho rằng, thơ ca ở tầm mức câu lạc bộ có đáng phải “quan tâm” không?
Thử nhìn lại ngôi làng yêu mến thơ ca ở ngoại thành Hà Nội xem, người ta có tốn quá nhiều tiền cho thơ không? Người ta có ảo tưởng khi làm ra thơ không và con người có sống nhân văn, hoà thuận hơn nhờ những câu thơ không?

Người làm thơ chưa hay không có lỗi gì. Những tập thơ chưa hay cũng không có lỗi. Nhiều người hẳn chưa quên trong các Ngày thơ hàng năm diễn ra ở Văn Miếu, những tập thơ phô-tô được hào hứng tặng cho khách thơ. Người được tặng thì có đủ cung bậc hỉ nộ ái ố.
Được biết, hiện nay ở các địa phương đều có Hội văn học nghệ thuật. Nên chăng, cánh cửa của Hội cũng nên mở rộng hơn để có một bộ phận tiếp cận với “Văn nghệ quần chúng” để đảm nhiệm nhu cầu thơ ca của quần chúng nhân dân rộng lớn. Phải xác định rõ ngay từ ban đầu là “văn nghệ quần chúng” với các hoạt động tổ chức bản thảo in ấn, giao lưu gặp gỡ. Kinh phí hoạt động thu trực tiếp ở những người tham gia với mức hợp tình hợp lý. Có như vậy chắc chắn Hội Văn học nghệ thuật địa phương sẽ là cầu nối quan trọng cho thơ ca quần chúng. Hội cũng sẽ đông vui hơn. Và tình trạng ảo tưởng về tài năng, háo danh, trục lợi của những kẻ đục nước béo cò sẽ không có cơ hội gia tăng.  

Một thời gian dài, thậm chí cho đến cả bây giờ đã và đang có những tranh cãi về sự tồn tại của Hội văn học nghệ thuật địa phương. Một loạt vấn đề được đưa lên bàn cân như không có thì thiếu, có thì thừa, hoạt động cầm chừng, lãng phí… dường như chưa đi vào hồi kết. Trong khi một hình ảnh đối lập là đại bộ phận quần chúng yêu thơ, làm thơ lại phải mò mẫm tìm đường đi rồi bấu víu vào một kẻ ngoại đạo nhưng đọc được nhu cầu “muốn gì” để lòng tham trỗi dậy.
Hiền Nguyễn

Nguồn: Tổ quốc
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét