------------
Sao anh lại làm thế?
Ngày 30-9-2009 khi nghe tin Trung tá Lê Văn Phượng đã hi sinh anh dũng khi đang cùng đồng đội vượt lũ cứu dân, từ Hà Nội, chúng tôi đã tức tốc lên đường vào Quảng Trị rồi ngược về Thanh Chương quê anh. Nhìn người mẹ đã ngót nghét trăm tuổi, héo khô nằm trên mảnh phản trong căn nhà dột nát, ai cũng thắt lòng: “Mưa còn chặt tạm lá cọ mà che, chứ gió thì lấy gì che đây khi thằng Phượng hứa về thưng lại vách cho mẹ mà hắn chưa chịu về?”. Nghe mẹ nói vậy, một lần nữa chúng tôi len lén quay đi quệt nước mắt. Trên đường về mọi người bàn bạc với nhau là sẽ vận động xây dựng cho mẹ một ngôi nhà. Và thật may mắn, khi bài bút ký về sự dũng cảm hy sinh của Liệt sỹ Lê Văn Phượng được in, lãnh đạo Binh đoàn 15 đọc được và đã đồng ý giao cho Công ty 711 xây cho mẹ ngôi nhà tình nghĩa. Nhưng không còn kịp nữa rồi, lá xanh rụng xuống và lá vàng cũng đã vội rụng theo…
Người con dâu tảo tần của mẹ, người vợ hiền thục của liệt sĩ Lê Văn Phượng kể trong nước mắt: Khi nghe tin anh Phượng mất, mẹ nằm xuống, kể từ đó mẹ không nói một câu nào, mắt cứ dõi nhìn ra cửa như ngóng trông. Mẹ nằm im lặng mấy tháng rồi bỗng một ngày mẹ nói: “Sao lâu quá không thấy thằng Phượng về, mỗi lần mẹ ốm nó đều xin về được vài ngày mà?”. Vì thương mẹ nên phải dối mẹ là anh Phượng đang bận công tác chưa về được, đây là sữa của anh gửi về, mẹ uống cho mau khỏe. Dù không thích uống sữa nhưng đều đặn mẹ vẫn uống hằng ngày để nuối chờ, chỉ đến khi gắng lắm mà không thể uống nổi nữa mẹ mới thôi. Hằng ngày mẹ vẫn dõi đôi mắt mờ đục ra cửa, đến khi lạnh hết chân tay nhưng đầu và ngực mẹ vẫn ấm, mẹ vẫn không thể đi được vì anh chưa về. Không thể ngồi nhìn mẹ khổ, người chị cả phải thú thật. Mẹ nấc lên mấy tiếng rồi nhắm mắt xuôi tay…
Chúng tôi nhìn quanh quất ngôi nhà trống trước hụt sau, nhìn lên bàn thờ của hai mẹ con người liệt sĩ, nhìn cậu con trai năm đó học lớp 8 mà nặng có 24kg đang ngồi khóc bên bàn thờ cha, thờ bà mà không ai cầm được nước mắt. Chị Hương kể: “Từ ngày bố mất đến giờ cháu Thắng cứ lúc tỉnh lúc mê nên không thể tiếp tục học hành được nữa. Cứ nửa đêm là cháu giật mình khóc thét, nói con thấy cha đang nằm dưới nước, con bơi ra cứu mà không được”. Còn cháu út Lê Xuân Toàn mới bốn tuổi thì cứ hỏi: “Cha Phượng khi nào về?”…
Liệt sĩ Lê Văn Phượng hy sinh khi anh còn nợ các con anh nhiều lời hứa lắm. Anh hứa sẽ về tập bơi cho đứa con trai. Anh hứa với con gái đầu là sẽ xin cho con thi vào một trường quân đội vì cháu Lê Thị Phương Thúy từ nhỏ đến giờ chỉ có một ước mơ là được đi bộ đội. Năm đó cháu đã học lớp 11, chỉ còn một năm nữa thôi là anh có thể thực hiện được lời hứa của mình.
Trong chuyến đi về quê anh Phượng khảo sát, bàn bạc vị trí để xây dựng nhà tình nghĩa tôi ngồi gần một người bạn đường. Để rút ngắn quãng đường dài chúng tôi đã trò chuyện, đã cho nhau số điện thoại và hẹn ngày ra Hà Nội sẽ còn gặp lại nhau. Khi biết tôi đang trên đường đi làm việc tình nghĩa, nhân lúc hành khách xuống xe nghỉ ăn trưa, anh đến bên tôi vừa đưa tay vào túi rút ra một xấp tiền và nói: “Tôi có tất cả chừng này tiền trong người, bây giờ tôi tẻ ra làm đôi, được bao nhiêu không cần phải đếm lại, nhờ anh chuyển cho gia đình anh Phượng giúp tôi. Nếu gia đình có hỏi là của ai thì anh chỉ cần nói là của một người biết ơn đến sự hy sinh của anh Phượng cho nhân dân vùng lũ là được anh nhé”. Tôi cầm tiền của anh mà áy náy suốt cả chặng đường, vì đồng tiền như miếng chín, anh đưa cho tôi mà không hề đếm là bao nhiêu, cũng không có bất kỳ một cái gì để gọi là đảm bảo khi anh và tôi mới chỉ gặp nhau lần đầu, mới chỉ ngồi cùng một chuyến xe chạy chưa đầy 200 km…Vào đến Nghệ An, khi xấp tiền như cục than bỏng rát trong túi tôi, tôi đã gọi nhà văn Phùng Văn Khai và kể lại toàn bộ sự việc và bảo Khai đếm giúp tôi số tiền, dự tính sẽ làm cho mẹ cái sổ tiết kiệm để dưỡng già.
Nhưng chúng tôi đã không kịp về để làm cho mẹ một ngôi nhà, không kịp trao cho mẹ cuốn sổ tiết kiệm như đã dự tính. Chúng tôi cũng đã bàn với đơn vị tài trợ là vẫn xây lại ngôi nhà tình nghĩa cho mẹ con các cháu. Quyết tâm của chúng tôi đã nhận được sự đồng tình của bà con họ tộc và đại diện Cục Chính trị Quân khu 4 đi cùng. Tôi viết bài báo nhỏ này như một lời cảm ơn đến những tấm lòng hảo tâm, đến sự quan tâm giúp đỡ của Binh đoàn 15, trực tiếp là Công ty 711 đã cùng chúng tôi thực hiện những mơ ước mà liệt sĩ Lê Văn Phượng chưa kịp thực hiện. Tôi đã chuyển sổ tiết kiệm sang tên của cháu Thắng vì trong ba đứa con của anh Phượng, cháu Thắng là người cần nhất số tiền nhỏ nhoi đó để thuốc men, sách vở sau này. Khi trao cho cháu cuốn sổ kiệm, chị Hương - mẹ cháu Thắng - có hỏi tôi là số tiền này là của ai cho đến chị biết mà cảm ơn người ấy lấy một câu. Nghe chị hỏi, tôi đã không nói như người trao tiền cho tôi đã nói mà lại cho chị số điện thoại của anh và còn bảo chị sau này hãy gọi để cảm ơn người ta và cũng để người ta biết là tôi đã trao tiền tận tay chị.
Sau chuyến đi đó tôi thấy thanh thản vì mình đã làm được một số việc nho nhỏ cho gia đình đồng đội. Rồi đến một ngày, tôi nhận được tin nhắn từ số máy của anh - người bạn đường trao tiền cho tôi - với nội dung: “Sao anh lại làm thế?”. Vâng chỉ một tin nhắn ngắn ngủi của anh đã làm cho tôi bừng tỉnh và cảm thấy xấu hổ vô cùng. Hoá ra mọi việc làm gọi là “từ thiện” của tôi chỉ để chứng minh được một điều tôi là người trong sáng, tôi đã trao tiền tận tay gia đình anh Phượng không thiếu một đồng, có chứng cứ nhé, vợ anh Phượng đã gọi báo cho anh rồi nhé… Mà tôi không nghĩ được một điều xa hơn rằng khi anh trao tiền cho tôi đã không cần đếm và còn dặn lại tôi phải nói với người được trao tiền như thế nào là anh đã tin tưởng tuyệt đối vào tôi, vì vậy tôi không cần phải chứng minh cái thiên lương, sự trong sáng với anh để làm gì nữa và nhất là anh làm việc từ thiện không phải để người khác mang ơn mình. Đơn giản anh làm một việc làm anh thấy đó là việc cần và nên làm vậy mà tôi đã nông cạn, hợt hời…
Sau cái tin nhắn đó của anh, tôi có nhắn lại xin lỗi nhưng không nhận được trả lời của anh, một vài lần liên lạc không thấy anh cầm máy và đương nhiên là cái hẹn ra Hà Nội gặp lại nhau cũng không thể thực hiện được. Vâng tôi đã sai lầm và lần này tôi không thể sai lầm thêm một lần nữa đó là tôi sẽ không nêu tên anh trong bài viết này, dù tôi vẫn nhớ cả họ và tên lẫn chỗ làm việc của anh. Vâng anh đã cho tôi một bài học lớn về lòng tin, về sự thiên lương trong mỗi con người. Lại chợt nhớ đến bài hát của Trịnh Công Sơn… “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”.
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét