VỀ MỘT LỜI NÓI THẬT



          Tôi là đứa không rành nhạc, đặc biệt là khoản hát thì… khủng khiếp. Nhưng thích nghe nhạc, và có lần nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ban cho lời khen là thằng này có gu âm nhạc, nó thích bài nào thì bài ấy hay. Là hồi ấy ông Tạo lên Pleiku lang thang với tôi, suốt ngày nghe tôi gào lên: Thương lắm tóc dài ơi… ông nghe mà chả biết của ai. Về Sài Gòn ông gặp Phú Quang, sau thấy ông viết trên báo Phụ nữ thành phố HCM: cứ say là VCH lại ôm ghè gào lên: Thương lắm tóc dài ơi, nghe mãi mà vẫn không nhận ra đấy là nhạc của Phú Quang. Nên chơi với các nhạc sĩ, tôi thù gã nào thì đơn giản, cứ lôi nhạc lão ấy ra… hát.
 
          Bằng cái sự học hỏi của mình, và nghe các nhạc sĩ nổi tiếng chỉ bảo, tôi biết, một nền âm nhạc không chỉ có ca khúc, hay nói cách khác, nếu chỉ có ca khúc thì đấy là một nền âm nhạc quà quặt.

          Chả hiểu chúng ta dạy dỗ định hướng thế nào, mà bây giờ rất đông người nghĩ rằng, âm nhạc tức là ca khúc. Âm nhạc chỉ là ca khúc.

          Vậy nên ở nước ta các nhạc sĩ sáng tác ca khúc dứt khoát nổi tiếng hơn các nhạc sĩ sáng tác nhạc không lời, khí nhạc, giao hưởng vân vân…

          Cũng như rất nhiều người giờ vẫn không thèm phân biệt giữa phim truyện nhựa và phim truyền hình. Đánh đồng tất cả cho phim truyền hình…

          Cái này không phải lỗi của công chúng, của khán giả tất cả. Ví dụ như phim thì trừ vài thành phố lớn, còn các rạp chiếu phim đã kịp biến mất trong cơn lốc thị trường, nhường cho nhà hàng, khách sạn, bar… Các chương trình ca nhạc thì lấy phần múa, thời trang, hô hét nhún nhảy… là chính. Vậy nên ca sĩ trở thành các ông hoàng bà chúa, nổi lềnh bềnh trong các cánh tay vươn lên cuồng nộ, trong nước mắt tức tưởi nhòe nhoẹt, trong gấu bông, hoa, giữa hàng rào vệ sĩ, và đặc biệt là trên các trang blog, web, facebook… với hàng triệu fan, dùng fan để đè bẹp nhau, “đập chết” nhau, để đánh giá sự sang trọng hơn nhau… Rồi báo chí, tivi rặt một loại đánh bóng một chiều, khai thác hết sao này đến hot kia, các chương trình truyền hình thì toàn kiểu vén tay áo xô đốt nhà táng giấy, cũng cho ra đời hết sao này tới sao kia, kể cả một số giải thưởng âm nhạc- vậy nên anh Mít tơ mới mang cả đống giải thưởng ra khoe, đôi co với nhạc sĩ già, ý là ông có giải thưởng nào không, huhu???

          Hồi mới giải phóng, tôi nhớ có 2 dòng nhạc rất rõ rệt. Phía bắc là nhạc cách mạng với những giọng teno hoành tráng, nam nữ gì cũng lấy vút cao làm chính, hát lạc cả giọng, mất cả chữ… nhưng đấy là kết quả của sự đào tạo bài bản, hát là phải đúng kỹ thuật, cộng minh cộng hưởng… nghe lúc nào cũng phơi phới, như đang… mít tinh.

          Bụp phát, nghe nhạc miền Nam, gọi là nhạc vàng, rất tha thiết nhẹ nhàng, thủ thỉ như nói chuyện, chữ nào ra chữ ấy, không bị nuốt bị lạc, nhưng nó không hát được những bài khó, nên chủ yếu cứ bolero mà nện.

          Hồi ấy nhạc cách mạng ít người nghe rồi, mà nhạc trong nam bị gọi nhạc vàng, cấm hết, nên cách chọn hay nhất thời ấy là nhạc Nga và dân ca. Hầu như chỗ nào hát cũng chỉ “chiếc khăn piêu”- nó tưng bừng từ hồi ấy chứ không phải bây giờ anh Tùng Dương mới phát hiện đâu nhé. Rồi thì Đôi bờ, chiều Maxcova, Cây Thùy dương… vân vân… và nó có một lớp công chúng thời ấy.

          Bây giờ, chỉ nói về ca khúc, quả là số tác giả viết tử tế và số ca khúc hay quá ít. Hay không đồng nghĩa với Hot hay Hit nhé. Và ca sĩ cũng thế. Có một bài rất hay viết về vụ ông ca sĩ mít tơ rằng là tài năng và sự nổi tiếng nó khác nhau hoàn toàn. Ca sĩ của ta hiện thời mới chỉ nổi tiếng (với từng nhóm công chúng) chứ ít tài năng.

          Thế nên việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phát biểu về một số ca sĩ đang là ông hoàng bà chúa hiện nay lập tức… “dậy sóng”, từ của một số trang mạng.

          Dù gì thì cũng phải công nhận, những gì người nhạc sĩ lão thành này nói ra là đúng. Thậm chí là quá đúng. Nếu một người có cái phông văn hóa vững, có nhân cách nghệ sĩ thứ thiệt… thì dẫu có tức có khùng khi bị nói phũ như thế, nhưng vẫn sẽ nhận thấy trong những điều nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói là những điều gan ruột, trung thực, từ một trách nhiệm rất cao với đời sống âm nhạc.

          Ở đây ông Mít tơ kia đã có một cái thư vừa hỗn vừa ngạo mạn gửi người mà ông gọi là bố. Đọc xong cái thư người ta hiểu tác giả của nó là người như thế nào rồi, không cần nhắc đến nữa.

          Tôi muốn nhắc đến lời xin lỗi nghẹn ngào của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Ông xin lỗi không phải vì ông sai, mà ông cảm thấy không “đương đầu” nổi, và không nên “đương đầu” với những người như thế. Ông rút lui bằng một lời xin lỗi làm rất nhiều người xúc động.

          Tôi trích ra đây 2 đoạn, một là của cựu danh thủ bóng đá Đặng Gia Mẫn, nguyên cầu thủ nổi tiếng của đội Nghĩa Bình, đội Công Nghiệp Hà Nam Ninh  và đội tuyển Việt Nam, cầu thủ duy nhất thời ấy có bằng đại học, đang dạy toán ở trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình thì đi đá bóng. Ông nhắn tôi trên facebook: Văn Công Hùngnên viết bài động viên NA 9. Vì ông viết hay (tôi viết dở nên nhờ ông), hộ tôi một ý:- cái lão béo lùn chuyên Chém về Bóng đá cũng yêu nhạc sỹ và những lời ông mới nói. Hj. Khi nào ra HN tôi mời Văn Công Hùngbia hơi. Hj.” Và đoạn thứ 2 là của một nhà báo nữ, chị Võ Kim Ngân, viết trên fb của chị: “Tại sao lại xin lỗi ? (Hay Cái giá cay đắng của sự thật ?). Hôm trước đọc được bài của 1 nhạc sĩ lớn tuổi có uy tín nhận xét về một số ngôi sao ca nhạc cảm thấy rất tâm đắc. Ông cụ đã nói rất chuẩn, hay nói cách khác ông cụ đã lột áo khoác sặc sỡ của một số ngôi sao để thấy rõ con người thực của họ. Với trình độ học thuật và sự từng trải trong môi trường nghệ thuật mà ông gắn bó cả đời người, những nhận xét của ông hoàn toàn chính xác về từng người- từng ngôi sao. Những nhận xét ấy chắc chắn rất trùng với cảm nhận của nhiều người về các ngôi sao đó. Có người đang càn quyét dương oai diễu võ trong làng ca nhạc giải trí, và không phải là không có người đã góp phần hạ thấp trình độ thưởng thức âm nhạc của một số đông khán giả.
Mình đã vui khi đọc được những dòng trong bài phỏng vấn ấy với suy nghĩ cuối cùng thì cũng có một người có uy tín và trình độ nói thẳng ra một sự thật bức bối trong thị trường âm nhạc hiện nay . Một sự thật mà mọi người thường chỉ nói quanh.
Mình cũng đã nghĩ đến những phản ứng của những người đã bị nhắc đến, những người cho mình là ngôi sao, là tướng là tá và cho mình có quyền ngồi trên dư luận giải trí, lái dư luận, dẫn dắt dư luận, nhất hô bá ứng...Nhưng mình vẫn ngạc nhiên về sự ngạo mạn và hỗn láo của một người được coi là lắm chiêu trò, bá vương bá tướng trong âm nhạc thị trường và còn được là giám khảo một cuộc thi âm nhạc trên tivi, người này đã phản ứng một cách hỗn xược với một nhạc sĩ lớn tuổi và đầy uy tín,một bậc tiền bối như vậy. Ông cụ chỉ nói lên sự thật, không ăn thua với các anh chị. Các anh chị chả là cái gì để ông cụ ăn thua. Ông cụ chỉ nói lên một sự thật như người cha răn dạy các con. Các anh chị muốn đi đường dài, muốn lưu danh thật sự nên khiêm tốn sửa mình tiếp thu chứ không phải lên mặt dạy lại bậc tiến bối ! Thật là một sự đảo điên !
Điều ngạc nhiên chưa hết là... sau đó vị nhạc sĩ đáng kính này đã phải xin lỗi sự ngược ngạo đó. Đọc thông tin đó mà đau lòng ? Sao ông lại phải làm thế ? Ông không quá lời, ông không phủ nhận họ, ông chỉ chỉ ra cái dở của họ một cách chính xác với đúng tên gọi đầy đủ của nó. Và bây giờ có kẻ lu loa "cả vú lấp miệng em" bằng cái gọi là có đội ngũ fan hùng hậu và có lẽ bằng cả sự nghênh ngang của kẻ lắm tiền cho rằng mình thao túng được thị trường âm nhạc và dương dương tự đắc cho rằng cha con ông nhạc sĩ đáng kính phải điện thoại xin lỗi và mời show liên tục ...? Điên điên thật rồi! Giá của sự thật đắng cay vậy sao ?”.

Lướt mạng mới thấy, số người ủng hộ nhạc sĩ rất nhiều. Tôi không phải là fan của ông, chưa bao giờ gặp ông, nhưng cả ngày hôm nay tôi toàn nghe nhạc ông, trên mạng, tất nhiên. Và mới hiểu, tại sao ông phải nói lên những điều gan ruột ấy, trong khi bản tính của ông là rất lặng lẽ khiêm nhường.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét