Nhưng còn ngỡ ngàng hơn khi sau đó có ngài phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Đăk Nông "Thành thật khai báo" rằng thì là... ngài không bao giờ đọc sách báo.
Mà đây là trong một cuộc họp quan trọng bàn về sách báo. Đến đây thì ta đã thấy rất rõ một điều mà lâu nay cũng đã thấy nhưng giờ nó công khai, thanh thiên bạch nhật, nó thách thức tri thức, văn hóa và cả nhân cách con người. Sáng nay mình viết STT trên facebook: "Thực ra không nên chỉ trích ông phó giám đốc sở Văn hóa Đăk Nông chỉ vì ông ấy đã "thật thà khai báo" rằng mình không hề đọc sách báo, thậm chí còn phải khen ông này, bởi qua cách cố tình "Lộ bí mật" của ông ta thì chúng ta biết còn rất nhiều đồng chí "trong đống rơm" như đồng chí ấy cả đời chả thèm đọc tờ báo quyển sách nào.
Mình là thằng làm nghề phu chữ, biết điều này từ lâu, nhưng mà nếu nói ra lại sẽ bị bảo là tại các ông viết như gì ấy nên mới bị tẩy chay không đọc. Cái hiện tượng không đọc từ lâu nay nó là "vấn nạn" trong giới lãnh đạo. MÌnh có mấy lần lặn lội xuống cơ sở, xong về viết dăm cái ghi chép, bút ký, xong rồi in báo, xong rồi bỏ phong bì gửi cho các vị lãnh đạo ở đấy, tuyệt không thấy ai giả nhời một câu, thậm chí chỉ là một cái nhắn tin cám ơn. huhu, có lần mình gặp một tên, mình hỏi độp, cái bút ký ấy ông thấy thế nào? nó ngớ ra: bút ký nào? bảo tôi gửi báo cho ông ấy. Lại ớ ra phát nữa: chết mất, nhận được báo, mở ra thấy bài ông định đọc, nhưng rồi lại phải... họp, chưa kịp đọc.
Nên rất nhiều người vào thấy cái tủ sách của mình ở nhà, có vẻ suýt xoa, nhưng mình bảo: tôi cho ông mượn sách, với điều kiện, khi trả ông phải tóm tắt được nội dung cho tôi, hihi, chả đứa nào mượn.
Nhưng mà quả thật, mình không thể tưởng tượng nổi, một người nói chung, một cán bộ nói riêng, một phó giám đốc sở văn hóa nữa, lại không đọc sách. Lão này chả là cá biệt đâu bà con ạ".
Thực ra thì nhiều người có thể cả đời không bao giờ đọc một quyển sách, nhưng trí thức, lãnh đạo, và những người làm văn hóa mà không đọc sách thì xã hội cần phải gióng còi báo động SOS rồi.
Bài này mình viết từ năm 2010, giờ nhân sự kiện này, đăng lại để tự thấy mình có... nhãn quan tiên đoán, hehe:
------------------
Trong một chương trình "Chiếc nón kỳ diệu" có chủ đề Văn Học Thế Giới, bốn tên sách thuộc loại kinh điển được đưa ra để đố là Tây du ký, Ông già và biển cả, Người mẹ và thần thoại Hy Lạp. Bốn người đoán (mò) trúng tên sách gồm một kỹ sư, một bác sĩ, một giáo viên tiểu học, và một học sinh phổ thông trung học. Điều kinh hoàng là khi người dẫn chương trình hỏi rằng bạn đã đọc cuốn sách ấy chưa, thì họ đều trả lời rằng... chưa có điều kiện đọc? Hỏi tên tác giả cũng chịu. Có một người nhận đã đọc sơ sơ cuốn Thần Thoại Hy Lạp, nhưng khi hỏi lại rằng biết nhân vật nào trong ấy thì lại chỉ biết mỗi... Venus. Thực ra nếu đã đọc Thần Thoại Hy Lạp thì nhân vật đầu tiên không thể không biết là thần Dớt, rồi đến Hêra, Prômêtê, Apôlông, Hêraclít... chứ Vênus chỉ thấp thoáng, có chăng là ở các phiên bản tượng đang bày bán nhan nhản mà thôi? Người khác biết tiếng Nga, thế mà người dẫn chương trình mớm đến cay đắng tiếng Nga là gì cũng không hiểu. Mà cuộc chơi này đã được thông báo chủ đề cho các người chơi, chứ nếu không báo, không hiểu còn sượng sần tê tái và vô duyên đến như thế nào? Ở chương trình Đường lên đỉnh Olimpia hôm sau có 2 cháu "vượt chướng ngại vật" rất giỏi, trả lời được gần hết các câu hỏi đề ra, trừ một câu: Tác giả Bỉ Vỏ là ai? cháu chịu không trả lời được, đây là câu duy nhất hai cháu chịu thua. Quá thất vọng, nhân có khá đông các cháu học sinh cấp 3 đang tụ tập học nhóm, tôi hỏi các cháu một số tên sách có tính chất kinh điển nhưng lại đã trở thành phổ thông, thì trời ạ, phần đông là không đọc. Các cháu lập luận rằng học nhiều quá không còn thời gian đọc sách, kể cả những cuốn được trích trong chương trình học, các cháu cũng chỉ đọc phần trích trong sách giáo khoa mà thôi. Thế đọc gì? Chúng cháu đọc... Đô rê mon và mực tím, hoa học trò...! Điều này lý giải một phần tại sao nhiều kiến thức tương đối phổ thông trên các trò chơi truyền hình như Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olimpia, Hành trình Văn hoá... mà nhiều người chơi không trả lời được.
Thời gian vừa qua có khá nhiều ý kiến tranh luận rằng tại sao độc giả quay lưng lại với văn học Việt Nam đương đại. Khá nhiều ý kiến đổ lỗi cho các nhà văn. Không sai. Nhưng qua hiện tượng vừa rồi thì có thể thấy rằng không chỉ văn chương Việt Nam bị độc giả quay lưng, mà cả các đại văn hào trên thế giới cũng bị chung số phận. Vậy cắt nghĩa hiện tượng trên như thế nào? Thử phân tích các nguyên nhân chính sau:
Một là người ta quay cuồng với kinh tế thị trường, lo làm giàu... Nhưng nguyên nhân này không chỉ là độc quyền của nước ta, và cũng không phải bây giờ mới có. Ở các nước người ta vẫn đọc, và ở nước ta, một thời, sách là nhu cầu không thể thiếu. Đã từng có cảnh cả một trung đội bộ đội chuyền tay nhau cuốn "Ruồi Trâu" đã nhàu nát, hoặc chép nguyên cả tập thơ tặng nhau. Thế hệ chúng tôi đã từng nhịn ăn sáng, dành dụm từng đồng để mua sách. Trẻ con bây giờ thì cũng có hiện tượng nhịn ăn sáng, nhưng để chơi điện tử, để "chat"..., số để mua sách văn học cũng có, nhưng hiếm, thuộc vào hàng "điển hình tiên tiến"...
Hai là sự bùng nổ thông tin khiến người ta bão hoà. Ngày nay thông tin cập nhật ngay từng giờ từng phút, vào tận buồng ngủ, khiến cho con người có vẻ năng động nhưng thực sự họ đang lười đi. Họ không chịu tư duy suy nghĩ, mà chỉ lướt qua các thông tin giật gân kiểu như Đoan Trang lộ hàng thế nào? Hà Hồ đẻ con ở đâu? Cường đô la chơi xe gì..., một cách hời hợt thoả trí tò mò, rồi thôi... không day dứt trăn trở, không đau đớn dằn vặt, không buồn phiền, không phân thân...
Ba là cách dạy văn của chúng ta khiến người học sợ văn, và họ mang tâm trạng ấy vào đời.
Bốn là sách hiện nay rất đắt. Nguyên nhân này không phải là chính bởi vì hệ thống thư viện công cộng bây giờ sẵn sàng phục vụ người đọc một cách tận tình...
Năm là tổng hợp các nguyên nhân xã hội khiến cho tâm hồn con người trơ cứng và vô cảm...
Sáu là thói kiêu ngạo và tự mãn của con người trước các hiện tượng tự nhiên và xã hội...Vân vân và vân vân...
Tác hại của không đọc sách tưởng không cần nhắc lại. Vô cảm và trơ lỳ, tàn nhẫn và tội ác, ích kỷ và trơ trẽn... được bắt nguồn từ sự khô cằn tâm hồn con người. Mà sách chính là cơn mưa tưới vào sự khô cằn ấy. "Không có sách thì không có tri thức...", câu ấy luôn luôn đúng với mọi thời đại. Đấy là sách nói chung, còn không có sách văn học, dứt khoát không thể có một tâm hồn phong phú và nhạy cảm, và như thế chưa thể có một con người hoàn thiện về nhân cách... Vì thế, cần phải lo lắng về nạn không thèm đọc sách hiện nay...
Không thể không có sự liên hệ giữa cái ác ngày càng lộng hành với nạn không đọc sách?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét